Họ cho biết nghiên cứu của tôi và đồng nghiệp "Phân loại vết thương phần mềm phức tạp của hàm mặt" được xuất bản. Lần đầu tiên, một phân loại y khoa trong Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt của Việt Nam được một trong những tạp chí uy tín nhất của ngành chấp nhận.
Việt Nam nghĩ ra một định nghĩa hay phân loại gì đó để giới khoa học phương Tây chấp nhận là rất khó. Dù vậy, đây không hẳn là tin vui. Chúng tôi làm được điều này một phần do số lượng tai nạn giao thông ở Việt Nam quá nhiều. Mỗi ngày, bệnh viện tuyến đầu tiếp nhận 20 đến 30 phẫu thuật cấp cứu do tai nạn, trong đó các vết thương lớn vùng sọ mặt chiếm không ít.
Các bác sĩ phương Tây không phải đối mặt nhiều trường hợp như vậy vì ít có tai nạn xe máy. Đa số tổn thương sọ mặt ở các nước phát triển là do hỏa khí, nghĩa là bị bắn hoặc tự tử bằng súng. Vết thương kiểu vậy hoàn toàn khác. Thế giới gặp khó khăn trong việc phân loại vết thương sọ mặt phức tạp. Một nhà khoa học từng phải làm thực nghiệm, cầm hộp sọ ném xuống đất để xem bị vỡ những vị trí nào, mới có thể phân loại. Ở Mỹ, giới y khoa cũng phải thực nghiệm bằng cách thả quả tạ nặng vào mặt thi thể, quan sát vết thương thành hình, từ đó xác định dạng thức thương tổn.
Việt Nam có vô vàn ca vỡ hàm mặt, trở thành nỗi đau của bác sĩ và biết bao bệnh nhân. Tai nạn nhiều tới nỗi dữ liệu của chúng tôi có ảnh chụp mặt hàng nghìn bệnh nhân có vết thương lớn. Khi để khoảng 300 bức ảnh như vậy gần nhau, chúng tôi dễ nhận ra vết thương có 5 hình dạng cơ bản, gọi tên theo các chữ cái tương đối giống với hình dạng vết thương cho dễ phân loại: O, X, A, I, C. Do đây là phân loại vết thương trên mặt nên thêm chữ M ở đầu và được đặt tên là M.O.X.A.I.C.
Giới y khoa rất muốn phân loại vết thương hàm mặt. Trong khoa học mà không có định nghĩa và phân loại, trao đổi với nhau sẽ rất khó. Vết thương thuộc loại nào giúp xác định điều trị hướng nào, tiên lượng ra sao, phối hợp với chuyên khoa nào... - mọi thứ cần được hệ thống hóa. Tạp chí khoa học hàng đầu đã dễ dàng chấp nhận phân loại của Việt Nam bởi cách chúng tôi khai thác và tổng kết toàn diện, trên tập bệnh nhân lớn.
Người làm nghiên cứu đều biết đăng bài trên tạp chí khoa học uy tín quan trọng như thế nào. Không có bài đăng nghĩa là không có nghiên cứu khoa học. Ngành y hiện đóng góp lớn nhất, chiếm 16% tới 18% trong tổng số các bài báo khoa học của Việt Nam được đăng tải quốc tế ở mọi lĩnh vực.
Tuy vậy, các bài nghiên cứu về y tế dự phòng, y tế công cộng nhiều, bài sâu về chuyên môn, có đóng góp thực sự cho công tác điều trị trực tiếp người bệnh trên lâm sàng chưa nhiều. Trong khi đó, bác sĩ Việt Nam đang giải quyết một khối lượng bệnh nhân lớn hơn nhiều so với đồng nghiệp thế giới. Các thực tập sinh y khoa quốc tế luôn muốn đến Việt Nam bởi tính phong phú và đa dạng của số lượng ca bệnh. Việt Nam là "mảnh đất màu" cho nghiên cứu y khoa.
Bên lề một hội thảo mổ nội soi quốc tế, tổ chức tại Việt Nam có giáo sư nước ngoài báo cáo, một bác sĩ trong nước hỏi giáo sư nước ngoài rằng ông đã mổ cho bao nhiêu bệnh nhân bằng phương pháp vừa trình bày. Vị giáo sư kia nói thật mới chỉ mổ khoảng 20 ca. Trong khi đó, thầy của tôi đã mổ trên 100 ca bệnh bằng phương pháp tương tự mà chưa báo cáo hay viết bài ở đâu. Tay nghề của bác sĩ Việt Nam ở một số lĩnh vực là rất cao nhưng không được biết tới.
Lỗi cũng ở chúng tôi. Các bác sĩ ở bệnh viện tuyến đầu bận rộn, chỉ tập trung vào chuyên môn, thích làm, ngại nói. Việc ngại công bố, ngại truyền thông khiến ngay cả người Việt cũng nghĩ rằng phải chữa ở "Tây" mới tốt.
Quá tải công việc, ngoại ngữ chưa tốt, chưa chú tâm viết bài khoa học là những nguyên nhân khiến thành tựu y khoa Việt Nam chưa được thế giới biết tới nhiều. Giáo sư Tôn Thất Tùng từng được y khoa thế giới công nhận phương pháp cắt gan mang tên ông. Sẽ có nhiều hơn những công nhận tương tự nếu các bác sĩ được giảm tải và khuyến khích công bố khoa học. Chính sách khuyến nghị bác sĩ học lên tiến sĩ cần có bài báo khoa học quốc tế của nhà nước một phần đã giúp tỷ lệ bài khoa học trong y khoa dẫn đầu các ngành như đã nói.
Đăng tải bài báo không quan trọng để lấy học hàm, học vị, hay báo cáo thành tích. Nghiên cứu từ Việt Nam giúp các bác sĩ thế giới có thêm kinh nghiệm giải quyết các ca bệnh. Phân loại tổn thương phần mềm hàm mặt của chúng tôi sẽ giúp nhiều bác sĩ ở các nước có tình trạng giao thông như Việt Nam dễ dàng chẩn đoán và cấp cứu đúng. Chỉ cần nhìn thấy vết thương hình chữ A là có thể tiên liệu khả năng nguy hiểm. Máu sẽ chảy theo mũi vào họng, chảy vào đường thở. Máu bị sặc vào phổi gây hôn mê sâu hơn, phù não, dễ dẫn tới tử vong. Khi thấy chữ A, bác sĩ phải tính ngay tới biện pháp mở nội khí quản để bệnh nhân thở được. Một can thiệp rất đơn giản nhưng chúng tôi đã cứu sống biết bao người.
Chúng tôi đã làm nhiều hơn nói. Như thế không phải lúc nào cũng tốt.
Nguyễn Hồng Hà