Ngày 5/12, bị cáo Lưu Như Cương, 52 tuổi, trú quận Long Biên bị TAND Hà Nội tuyên 20 năm tù về tội Lưu hành tiền giả.
Bị truy tố cùng tội danh, Trần Mạnh Cường, 53 tuổi, trú quận Ba Đình, bị phạt 17 năm tù; Nguyễn Thị Thúy, 54 tuổi, trú TPHCM, 14 năm tù; Nguyễn Văn Phương, 60 tuổi và Vũ Thị Nhày, 58 tuổi, cùng trú Bà Rịa Vũng Tàu, bị phạt 12 năm tù.
Cáo trạng xác định, tháng 4/2022 và tháng 9/2023, Cương hai lần đến khu vực gần cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn gặp một người đàn ông (không rõ nhân thân) mua tổng cộng 2 triệu đô la Singapore giả, gồm 100 tờ mệnh giá 10.000 SGD, giá 10 triệu đồng.
Tháng 7/2023, trong một lần đi ăn tại Hà Nội, Cương kể cho Cường về việc đang có "một lượng tiền đô la Singapore" và nhờ đổi với mức giá một triệu đô la Singapore lấy 12 tỷ đồng. Nếu đổi được nhiều hơn, Cường sẽ hưởng hết phần chênh lệch.
Khi giao tiền, Cương đảm bảo "đã kiểm tra tiền qua máy đếm tiền nhiều lần nhưng không phát hiện là tiền giả".
Cường tham khảo trên Internet về cách phân biệt tiền đô la Singapore và tỷ giá của loại tiền này. Theo đó, một triệu đô la Singapore có giá trị hơn 17 tỷ đồng, chênh lệch rất lớn so với giá 12 tỷ đồng mà Cương muốn bán.
VKS cáo buộc Cường nhận thức được nếu là tiền thật thì Cương có thể tự bán được, không cần nhờ vì Cường không phải người hiểu biết về tiền tệ. Các tờ tiền này nhìn không sắc nét.
"Do vậy, Cường biết số tiền đô la trên là tiền giả", cáo trạng quy kết và xác định Cường liên hệ với người đàn ông tên Tuấn, được báo có thể đổi một triệu đô la Singapore lấy 13 tỷ đồng.
Chiều 18/9/2023, Cường đến gặp Tuấn cùng hai phụ nữ tên Thoa và Hiền. Cường đưa cho Thoa 2 tờ đô la Singapore để mang vào Vietcombank đổi trước xem sao.
Thoa sau đó vào Phòng giao dịch Vietcombank ở quận Ba Đình. Do nghi vấn tiền giả, nhân viên ngân hàng hỏi còn tiền để đổi nữa không. Lúc này, Thoa gọi Hiền mang thêm tiền đến, báo lại cho Cường là "tiền đảm bảo". Cường thấy mừng đã đưa nốt 98 tờ cho Thoa và Hiền đi đổi.
Sau khi so sánh, đối chiếu, nhân viên ngân hàng trả lời đây là tiền giả và lập biên bản sự việc. Thoa và Hiền đi ra và nói lại sự việc, bảo Cường vào giải quyết.
Cường vào đòi lại tiền nhưng phía Vietcombank xác định đây không phải là người đưa tiền vào ngân hàng, đồng thời báo công an đến giải quyết. 100 tờ tiền giả là vật chứng bị tịch thu. Ba hôm sau, Cường và Cương lần lượt bị bắt.
Về "hành tung" của một triệu đô la Singapore còn lại, Cương khai tháng 8/2023, hẹn gặp hai người bạn quen biết 10 năm, Phương và Nhài, để bảo họ tìm khách mua. Cương hứa bán được số tiền trên sẽ chia cho mỗi người 500 triệu đến 1 tỷ đồng, nếu bán lẻ thì được hưởng 100 triệu đồng/20 tờ.
Cương yêu cầu họ phải "đặt cọc" trước khi nhận đô la Singapore đem bán. Nhài do đó đã chuyển cho Cương 225 triệu đồng, ghi nội dung là "cho vay", cáo trạng nêu.
Khi giao tiền, Cương cũng yêu cầu Nhài viết giấy biên nhận tiền và hướng dẫn viết nội dung là "tiền lưu niệm" để tránh bị công an phát hiện. Giấy biên nhận do Cương giữ. Cương cam kết "đã kiểm tra số tiền trên qua nhiều máy đếm tiền nhưng máy không phát hiện là tiền giả".
Cương đưa tổng cộng 97 tờ tiền giả mệnh giá 10.000 SGD mỗi tờ, do một tờ Cương làm mất và hai tờ Nhài làm mất khi đi "chào hàng" với khách, cáo trạng nêu.
Nhài sau đó 3 lần gặp để Thúy kiểm tra chất lượng tiền giả. Thúy sau thông báo đã tìm được khách muốn mua, hẹn nhau ngày 20/9/2023 sẽ gặp tại Hà Nội.
Ngày 19/9/2023, Thúy đi máy bay từ TP HCM. Hôm sau, tại quán cà phê, Thúy trực tiếp gặp khách giao dịch, Nhài cảnh giới bên ngoài.
Khi Thúy đang giao dịch thì Nhài nghi ngờ khách đi cùng công an. Do đó, Thúy đã ngừng giao dịch với khách này, mang 97 tờ tiền đi ôtô từ Hà Nội vào TP HCM, không đi máy bay để tránh bị phát hiện khi soi chiếu hành lý.
Thúy đi đến tỉnh Quảng Bình thì bị công an bắt giữ, tịch thu tang vật, hôm 21/9/2023.
Tại thời điểm giám định, 27/9/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định mỗi tờ tiền thật mệnh giá 10.000 SGD có giá quy đổi hơn 176 triệu đồng. Do đó, Cương bị quy kết trách nhiệm với 1,97 triệu SGD, tương đương 34,7 tỷ đồng, 4 bị cáo còn lại mỗi người trên 17 tỷ đồng.
Với Thoa, Hiền, hai người được Cường nhờ mang tiền đến Vietcombank để đổi, không biết là tiền là giả, Cường cũng khai không nói với họ về nguồn gốc, nên nhà chức trách không xử lý.
Người đàn ông tên Tuấn, đi cùng Thoa và Hiền; người bán tiền giả cho Cương tại khu vực gần cửa khẩu Tân Thanh, do cơ quan điều tra không xác định được nhân thân nên không có căn cứ xử lý.
Hải Thư