![]() |
Cuốn Lộc đỉnh ký có giá bìa 67.000 đồng, trong đó phí phát hành đã lên tới 30.000 đồng. |
Bức xúc trước tình trạng giá sách ảo, hôm qua, Bộ Văn hóa Thông tin cùng đại diện cả ba "nhà": nhà in, nhà xuất bản, nhà phát hành đã phải ngồi lại với nhau để tổ chức một hội nghị bàn về giải pháp giảm giá sách và phí phát hành.
Về lý thuyết, các yếu tố hình thành giá bìa thông thường là: giá trị nội dung của sách, tên hiệu nhà xuất bản (đơn vị nào càng nổi tiếng thì giá sách càng cao), tên tác giả và tiền bản quyền (tác giả càng nổi tiếng, tiền trả tác quyền càng cao, tức là giá sách càng tăng), chi phí sản xuất (như giá giấy, công in, công biên tập, công họa sĩ...), phí quảng cáo và cuối cùng là phí phát hành. Nhưng theo Phó giáo sư Tô Đăng Hải, Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật, ở Việt Nam, tên hiệu nhà xuất bản, tên tuổi tác giả không ảnh hưởng nhiều lắm đến giá sách. Hơn nữa, trên thị trường xuất bản phẩm Việt Nam lại có một thực tế là sách giá trị cao và không cao cũng đều sàn sàn như nhau về giá bán lẻ. Còn nhuận bút, một trong những yếu tố của giá thành và giá bán lẻ, thì chỉ chiếm tỷ lệ 15-16% trong giá thành và 10-12% trong giá bán lẻ. Vì vậy, các yếu tố làm biến động giá sách rốt cuộc chỉ còn là: công của nhà xuất bản; giá giấy, điện, khấu hao máy móc của nhà in; công của mạng lưới phân phối, xuất bản và phát hành.
Song, trong số những nhân tố kể trên thì phí phát hành ảnh hưởng mạnh nhất đến giá sách. Trước đây, trong thời bao cấp, phí phát hành được nhà nước quy định là 26%. Tuy nhiên, hiện nay do có nhiều thành phần tham gia khâu phát hành nên phí này bị thả nổi. Hệ quả là, tư nhân hoặc tổ chức phát hành mặc sức đẩy giá sách lên trời. Và trên thực tế thì những sách có nhu cầu cao (bán chạy) chưa hẳn đã là sách hay. Còn giá trị thực của khá nhiều ấn phẩm có khi chỉ bằng một nửa giá trị hàng hóa được ghi trên bìa.
Sự xuất hiện ồ ạt của các đầu sách liên kết (chiếm tới 60% số đầu sách trên thị trường) trong khi cơ quan quản lý chưa có chế tài hoặc các văn bản pháp luật quy định về liên doanh, liên kết xuất bản cũng là một nguyên nhân khiến việc định giá sách trở nên bát nháo. Còn về phía nhà xuất bản, do sức ép của cơ chế thị trường, với số vốn lưu động hạn chế, lại không chủ động được nguồn bản thảo nên vẫn phải "ngậm bồ hòn" để liên kết với tư nhân. Ông Nguyễn Đình Nhã, Cục trưởng Xuất bản, ngán ngẩm: "Hiện nay, các đối tác liên doanh, liên kết đã trở thành "thượng đế" của nhà xuất bản. Quyền quyết định giá bìa, tỷ lệ phát hành phí... cũng thuộc về các "thượng đế". Mà họ lại chỉ chú trọng phần thu phí trên giá bìa, tìm mọi cách phát hành nhanh, khuyến khích chiết khấu cao".
Mặt khác, trong khi luật xuất bản hiện nay mới chỉ cho phép liên kết in, phát hành thì thực tế hoạt động liên kết của các đơn vị tư nhân đã làm trọn từ khâu xuất bản, in ấn đến phát hành. Và, từ năm 1999 đến nay, nhiều chủ thể kinh doanh xuất bản phẩm chỉ có giấy phép kinh doanh mà không có giấy chứng nhận hoạt động nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức. Do đó, lách luật, đội giá sách trong lực lượng này khá phổ biến.
Hơn nữa, theo ông Trần Tấn Ngô, Tổng giám đốc công ty phát hành sách Việt Nam, do chưa có khung giá thu phí giữa các nhà xuất bản và vì cạnh tranh lợi nhuận nên các tổ chức, cá nhân liên doanh xuất bản đã in vượt số lượng giấy phép. Số lượng sách nối bản, in lậu này sẽ đẩy chiết khấu phát hành cao và giá sách tăng một cách phi lý.
Các chính sách thuế thu nhập, thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng... không thống nhất giữa các thành phần kinh tế cùng tham gia phát hành là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá bìa. Theo đó, đối với phát hành sách nhà nước, thuế cao và tận thu khiến các doanh nghiệp này cũng phải "nghiến răng" tăng giá bìa. Trong khi đó, tư nhân chỉ phải nộp thuế khoán hàng tháng, không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, chứng từ kế toán cũng đơn giản. Hóa đơn đầu vào đầu ra lại không bị kiểm soát số lượng, chủng loại hàng hoá nên các nhà sách tư nhân rất năng động trong việc nâng giá, hạ giá sách, xử lý hoa hồng cho người mua. "Giá sách được đẩy lên cao so với giá thực nên chỉ cần bán đuợc từ 40 đến 60% số lượng in là đã đủ vốn. Số còn lại có thể hạ giá bán lẻ hoặc tính hoa hồng cho khách", ông Trần Tấn Ngô cho biết.
Trước thực tế trên, nhà văn Vũ Đức Nguyên, trưởng phòng biên tập Nhà xuất bản Hà Nội, đề nghị các cấp quản lý phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình. Ông khẳng định: "Để chấn chỉnh tình trạng tuỳ tiện về giá sách hiện nay, đã đến lúc không thể để nhà văn, nhà khoa học hay cán bộ chính trị chạy sang làm giám đốc các nhà xuất bản, công ty phát hành được. Bởi vì đã là nền xuất bản và kinh tế xuất bản thì phải có các nhà quản lý được bồi dưỡng kiến thức đầy đủ để có thể kiểm soát việc hạch toán kinh doanh". Còn theo tiến sĩ Nguyễn Danh Ngà, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, để có điều kiện hạ giá sách thì cần đề ra chính sách ưu đãi về vốn lưu động. Bởi theo quy định hiện hành, doanh nghiệp xuất bản chỉ được cấp 30% mức vốn. Thế nhưng, một khi số vốn lưu động này tăng lên 40-50% thì nhà xuất bản sẽ không phải dựa vào tư nhân trong liên kết.
Đại diện cả 3 "nhà" đều nhất trí kiến nghị cấp quản lý phải quy định khung giá trần cùng tỷ lệ phí phát hành cho các nhóm sách tiêu biểu như: sách thiếu nhi, giáo khoa, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật và chính trị xã hội. Thế nhưng, trách nhiệm cụ thể của từng "nhà" như thế nào thì chưa thấy bàn đến cụ thể.
Mặt khác, việc quy định khung giá trần và phí phát hành cho hợp lý cũng không phải chuyện đơn giản, nhất là trong tình hình công nghệ in lạc hậu nhưng chi phí ấn bản lại đắt đỏ như hiện nay. Ông Nguyễn Văn Dòng, giám đốc công ty in Trần Phú, cho biết: "Việc in sách đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn, phải sử dụng nhiều thiết bị khác nhau như máy in offset nhiều màu, máy dán bìa keo nhiệt... Nếu muốn chất lượng đóng sách từ công đoạn gấp, khâu chỉ, đóng keo, vào bìa, xén 3 mặt, đóng bìa cứng... theo đúng chuẩn quốc tế thì chi phí máy móc rất tốn kém. Còn về mặt nhân công, do năng suất lao động chưa cao nên tỷ trọng chi phí lao động sống trong giá thành sản phẩm phải tăng lên để bù đắp lại. Như vậy, độc giả vẫn là đối tượng chịu nhiều thua thiệt nhất".
Hiền Hòa