Vừa qua một loạt các đánh giá, lấy ý kiến của chuyên gia và người dân về đề án "Thu phí ôtô vào nội đô" của Sở Giao thông TP HCM, trong đó với 4 mục tiêu chính:
1. Hạn chế ùn tắc giao thông khu vực trung tâm.
2. Cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường.
3. Hạn chế ôtô cá nhân.
4. Phát triển giao thông công cộng và hạ tầng giao thông.
Ngoài vấn đề tiêu chí và khẩu hiệu thì kết quả sẽ đạt được của 4 mục tiêu này đều rất mù mờ và không có một cam kết chắc chắn. Ngoài mục tiêu đầu tiên có thể có hiệu quả, 3 mục tiêu còn lại sẽ gây tác động tới kinh tế và xã hội của thành phố.
Đối với mục tiêu hạn chế xe cá nhân, chúng ta phải nói đến đóng góp kinh tế của ôtô cá nhân. Hiện tại, một chiếc xe hơi cá nhân thì phải đóng 3 loại thuế là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT. Điều này đóng góp rất lớn vào ngân sách của nhà nước.
>> Thu phí ôtô vào trung tâm TP HCM - 'đừng chần chừ, làm ngay thôi'
Hơn nữa, ngoài các loại thuế ra thì để lưu hành trên đường, người dân còn phải đóng các phí như: phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí bảo hiểm dân sự, và phí biển số. Nếu như đưa ra các chính sách để hạn chế xe cá nhân, thì lấy nguồn thu mới nào để bù đắp? Người dân mua xe hơi cũng sẽ không hiểu tại sao mình đã có đóng góp lớn như vậy vào ngân sách mà vẫn luôn bị làm khó trong sinh hoạt.
>> 'Xây trạm thu phí ôtô vào trung tâm Sài Gòn sẽ không giảm kẹt xe'
Đối với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, ôtô con giúp ích rất nhiều trong việc giao thông thuận tiện và kéo gần các khu đô thị vệ tinh và các trung tâm kinh tế mới. Người dân nhờ có xe hơi mà có thể dễ dàng tiếp cận các khu đô thị mới như quận 7, Thủ Thiêm, quận 9... mà sắp tới còn là các khu vực như Bình Chánh, Long An, Thủ Đức.
Hơn nữa với đặc thù phát triển giao thông dựa trên vốn ODA hoặc mở các trạm BOT thu phí, nếu không có sự tăng trưởng của xe hơi, lấy đâu ra số lượng hoạch tính trả nợ BOT? Các bức xúc của xã hội về việc các trạm BOT gần đây là bài học nhãn tiền. Trong khi khu vực nội đô vốn là cơ sở hạ tầng cũ, không xây mới thì lại càng không có lý do gì để thu phí thêm.
>> Cấm xe máy đồng thời thu phí thật cao ôtô vào trung tâm
Đối với vấn đề bảo vệ môi trường thì cũng đã có nhiều vấn đề tranh luận về việc này. Ngoài phí bảo trì cầu đường thì mỗi chiếc xe hơi khi lăn bánh đều phải trả phí môi trường trên xăng dầu.
Như vậy, ý kiến cá nhân của tôi thì để đề án "thu phí nội đô" hoàn toàn khó khả thi và mang lại tác động không tốt cả xã hội và kinh tế. Các khu vực như Bangkok, London... họ thu phí nội đô sau khi đã hưởng đủ thành quả của ngành công nghiệp ôtô. Còn với tình trạng ở Việt Nam thì đề xuất thu thêm thuế phí mới của ôtô sẽ có tác động xấu.
Chính sách cần công bằng và rõ ràng với người dân, thì người dân sẽ ủng hộ. Công khai rõ các nguồn thu từ thuế phí vào xe hơi cá nhân. Trích dành từ phần này vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, có xây dựng mới thì mới thu thêm phí trên đó. Ví dụ như tại Bangkok thì người ta xây dựng các con đường nhanh trong nội đô, ai muốn chạy thì phải bỏ thêm tiền. Như vậy việc thu phí cũng rất đơn giản mà người dân vừa có cơ sở hạ tầng mới Xây dựng các khu vực đỗ xe ngầm và có quy định bãi đỗ xe cho các trung tâm cao ốc, văn phòng xây mới. Từ đó thu hiệu quả từ nguồn đỗ xe.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.