Đó là nội dung quyết định 05 quy định mức phí môi giới tối đa trong xuất khẩu lao động đối với một số thị trường, do Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng ban hành ngày 17/1.
Phí môi giới hay còn gọi là phí tư vấn khai thác hợp đồng là khoản tiền mà lao động, hoặc doanh nghiệp xuất khẩu lao động cùng lao động phải trả cho bên trung gian môi giới để ký hợp đồng đưa người đi làm việc ở nước ngoài. |
Theo văn bản này, phí môi giới một công nhân nhà máy hoặc công nhân xây dựng sang Đài Loan làm việc không vượt quá 1.500 USD cho hợp đồng 2 năm và được gia hạn thêm 1 năm. Đối với lao động giúp việc gia đình và chăm sóc bệnh nhân, mức phí môi giới trong 2 năm làm việc không được vượt quá 1.000 USD.
Tại thị trường Malaysia, mức phí môi giới đối với lao động nam làm việc trong 3 năm tối đa là 350 USD/người, đối với lao động nữ là 300 USD. Với Trung Đông, phí môi giới đối với lao động không có nghề tối đa là 400 USD/người cho hợp đồng 2 năm, và lao động có nghề là 500-550 USD.
Tại Macau, phí môi giới đối với công nhân xây dựng làm việc 2 năm tối đa là 2.500 USD, trong đó lao động đóng 2.000 USD, còn lại là doanh nghiệp chi. Nếu làm việc trong lĩnh vực bảo vệ, vệ sinh, lao động phải nộp phí môi giới tối đa 750 USD cho hợp đồng 2 năm, doanh nghiệp đưa đi phải nộp 150 USD. Riêng với nghề dịch vụ nhà hàng, khách sạn, lao động phải nộp phí môi giới tối đa 1.000 USD.
![]() |
Lao động lên đường sang làm việc tại Malaysia. Ảnh: H.K. |
Quyết định cũng nêu rõ, thuyền viên tàu cá xa bờ xuất khẩu sang Đài Loan và lao động giúp việc gia đình tại Ảrập Xêút không phải đóng phí môi giới. Phần phí môi giới do người lao động nộp phải được thể hiện rõ trong hợp đồng xuất khẩu lao động. Doanh nghiệp được thu một lần trước khi lao động xuất cảnh ra nước ngoài làm việc.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục phó Quản lý lao động ngoài nước cho biết, việc ban hành mức phí môi giới tối đa nhằm ngăn chặn việc thu phí tùy tiện, gây bất lợi cho lao động, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo tính cạnh tranh để doanh nghiệp ký được hợp đồng đưa lao động ra nước ngoài làm việc.
Ông Quỳnh cho hay, cơ sở để xây dựng phí môi giới là việc ghi nhận thực tế việc thu phí tại các thị trường có lao động Việt Nam tham gia và thông tư liên tịch số 59 của Bộ Tài chính và Lao động. Theo thông tư, khung phí môi giới không vượt quá 1 tháng lương trong hợp đồng lao động cho một năm làm việc. Lương làm căn cứ tính phí không bao gồm tiền làm thêm giờ, tiền thưởng và các khoản trợ cấp.
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động bày tỏ sự đồng tình với mức phí môi giới tại các thị trường Malaysia, Trung Đông, Macau, Australia, vì tương đối sát với thực tế. Riêng với Đài Loan, một trong ba kênh tiếp nhận lao động nhiều nhất của Việt Nam (gồm Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc), giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội đánh giá "mức phí đó là quá thấp".
Ông này phản ánh, môi giới Đài Loan yêu cầu mức phí trung bình 4.000 USD cho một công nhân xây dựng sang làm việc theo hợp đồng 3 năm. Doanh nghiệp của ông thường đàm phán và chấp nhận hợp đồng với mức phí dưới 3.000 USD/người. Nhưng với khung phí môi giới mới ban hành, doanh nghiệp đành "buông" thị trường này.
Hồng Khánh