Ban đầu, phi hành gia Frank Rubio bay tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào ngày 21/9/2022 trong nhiệm vụ kéo dài 6 tháng. Nhưng ông sẽ ở trong không gian hơn một năm, phá vỡ kỷ lục nhiệm vụ dài nhất do một phi hành gia Mỹ thực hiện. Rubio sẽ quay trở lại Trái Đất trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga sớm nhất vào ngày 27/9, theo thông báo hôm 29/3 của NASA, có nghĩa ông sẽ ở tổng cộng ít nhất 371 ngày trên quỹ đạo, vượt qua mốc 355 ngày do phi hành gia Mỹ Mark Vande Hei từng thiết lập năm 2022.
Ban đầu, chuyến bay trở về của Rubio được lên lịch vào mùa xuân năm nay. Nhưng tàu vũ trụ chở Rubio và hai đồng nghiệp người Nga Sergey Prokopiev và Dmitry Petelin bị rò rỉ chất làm mát vào tháng 12 năm ngoái. Nhà chức trách của cơ quan vũ trụ Nga, Roscosmos, sau đó kết luận tàu vũ trụ không đủ an toàn để chở phi hành gia về nhà. Thay vào đó, tàu Soyuz MS-22 quay về Trái Đất mà không chở phi hành đoàn vào hôm 28/3. Roscosmos phóng tàu vũ trụ thay thế MS-23 ghép nối với trạm ISS hôm 23/2.
Nếu tất cả theo đúng kế hoạch và Rubio khởi hành hôm 27/9, thời gian 371 ngày trong vũ trụ của ông không phải kỷ lục thế giới. Phi hành gia quá cố người Nga Valeri Polyakov vẫn nắm giữ kỷ lục với 437 ngày liên tục ở trạm vũ trụ Mir của Nga trên quỹ đạo giữa năm 1994 và 1995.
Vande Hei giữ kỷ lục ở lâu trong vũ trụ của phi hành gia Mỹ vào năm ngoái sau khi NASA và Roscosmos quyết định gia hạn nhiệm vụ của ông. Nga đưa đoàn làm phim hai người lên trạm ISS, khiến chuyến bay trở về của Vande Hei bị trì hoãn. Trước Vande Hei, phi hành gia Mỹ Scott Kelly thiết lập kỷ lục với nhiệm vụ kéo dài 340 ngày. Đó là nhiệm vụ mở rộng được NASA thiết kế để nghiên cứu tác động dài hạn của bay vũ trụ đối với cơ thể người.
Rubio bay tới trạm ISS trên tàu vũ trụ của Nga theo thỏa thuận trao đổi phi hành đoàn giữa NASA và Roscosmos vào mùa hè năm 2022. Nhà chức trách NASA phân công Rubio bay trên tàu Soyuz MS-22 trong khi Roscosmos sắp xếp phi hành gia Anna Kikina bay trên tàu Crew Dragon của SpaceX vào tháng 10/2022 và trở về Trái Đất vào ngày 11/3/2023.
NASA chia sẻ thỏa thuận với Nga rất quan trọng nhằm đảm bảo hoạt động an toàn liên tục của trạm ISS. Nếu tàu Soyuz của Nga hoặc Crew Dragon của SpaceX gặp vấn đề và không thể vận hành, thỏa thuận trao đổi sẽ đảm bảo cả phi hành gia Mỹ và Nga vẫn có thể tiếp cận trạm ISS.
An Khang (Theo CNN)