Ngày 9/11, phi thuyền Crew Dragon của SpaceX đưa phi hành gia người Pháp Thomas Pesquet cùng ba đồng nghiệp Akihiko Hoshide (Nhật Bản) và Shane Kimbrough, Megan McArthur (Mỹ) đáp thành công xuống Vịnh Mexico, kết thúc 199 ngày của Sứ mệnh Alpha tại Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Đây là lần thứ hai Pesquet thực hiện nhiệm vụ trên ISS, sau lần đầu trong Sứ mệnh Proxima dài 196 ngày, từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2017. Khi tham gia các sứ mệnh kể trên, bên cạnh những việc chính như nghiên cứu khoa học hoặc tu sửa máy móc của trạm, hễ có dịp, Pesquet đều thể hiện sự quan tâm, ủng hộ đối với các môn thể thao.
"Phần phía dưới" của sơ yếu lý lịch
Phi hành gia sinh năm 1978 là người Pháp trẻ nhất từng vào không gian - từ năm 38 tuổi. Để vào nhóm sáu người được Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) chọn năm 2009, từ 8.413 ứng viên cho khóa huấn luyện kéo dài bảy năm trước khi bay lên ISS vào cuối năm 2016, Pesquet phải có một bản sơ yếu lý lịch trên cả... đẹp.
Anh biết sáu thứ tiếng, tốt nghiệp hạng ưu trường Kỹ sư Hàng không và Không gian Supaéro lừng danh của Pháp. Năm 28 tuổi, Pesquet đã có bằng phi công, từng làm việc cho Air France và Trung tâm Nghiên cứu Không gian quốc gia Pháp... Nhưng bất chấp thành tích học tập xuất sắc, khi nói về sự thành công của bản thân, anh lại nhấn mạnh đến "phần phía dưới" của bản sơ yếu lý lịch - tức những thú vui, hoạt động giải trí như văn nghệ, thể thao.
Gia đình Pesquet không có ai liên quan đến lĩnh vực hàng không hay không gian. Ông bà là nông dân, bố mẹ là giáo viên. Bản thân Pesquet đến tận 20 tuổi mới lần đầu tiên đi máy bay. Khi còn là một cậu bé, giấc mơ của Pesquet không phải là "vươn đến một vì sao" mà là trở thành... ngôi sao bóng rổ, như Michael Jordan. "Tiếc rằng, tôi nhanh chóng nhận ra điều này quá khó với mình", anh kể. Năm 16 tuổi, Pesquet bắt đầu thấy hứng thú với nghề phi công, nhưng vẫn chưa mơ tưởng gì tới việc trở thành phi hành gia vũ trụ.
Không thể trở thành tuyển thủ hay ngôi sao, Pesquet hạnh phúc vì bố mẹ ủng hộ và tạo điều kiện để anh tham gia mọi hoạt động yêu thích sau giờ học. Anh trả lời phỏng vấn nhật báo Le Monde: "Gần như mỗi ngày, tôi đều chơi một môn gì đó, luân phiên giữa judo, bóng rổ, bơi, học kèn saxophone, cuối tuần thì tham gia thi đấu thể thao cùng các CLB của mình. Tôi đã học được rất nhiều điều quan trọng sau 17h. Tôi biết ơn bố mẹ vì điều đó. Họ đã không ngại lái xe những quãng đường rất dài để chở tôi đi tập, đi thi đấu. Và tôi chắc chắn rằng, chính 'phần phía dưới của sơ yếu lý lịch' đã giúp tôi trở thành phi hành gia như ngày nay. Khi chơi đều đặn một môn thể thao, tham gia cùng một nhóm nhạc hay dành thời gian cho một tổ chức thiện nguyện, có thể bạn không thu về những kiến thức hàn lâm, nhưng sẽ tích lũy được những hiểu biết và trải nghiệm vô cùng cần thiết".
Được bố mẹ khuyến khích khám phá nhiều thể loại, Pesquet còn có dịp chơi và thấy hứng thú với một số môn như bóng bầu dục, tennis, xe đạp địa hình, leo núi, nhảy dù... Tổng cộng, thời học phổ thông và đại học, anh tập luyện từ 9 đến 10 tiếng thể thao mỗi tuần.
Đưa đai đen judo lên Trạm Không gian
Khi chơi các môn thể thao đồng đội, như bóng rổ hay bóng bầu dục, phi hành gia người Pháp học được tinh thần tập thể và sự bình tĩnh trong các cuộc thi nhờ thường xuyên thi đấu với CLB. Pesquet phân tích: "Bạn làm thế nào khi là người chơi dở nhất trong đội? Hay ngược lại, khi là người chơi giỏi nhất và có cảm giác rằng đồng đội không ngang sức với mình? Làm thế nào để biết cách lắng nghe người chỉ huy, hoặc ngược lại, biết cách điều phối tốt khi mình nắm vai trò chỉ huy? Những câu hỏi này, các bạn trẻ sẽ dễ gặp khi bắt đầu đi làm".
Còn các môn thể thao cá nhân? Pesquet đã 10 năm miệt mài - từ năm1986 đến 1996 - tại câu lạc bộ Judo Val-de-Saane của võ sư Patrick Esclapez ở vùng Haute-Normandie, Tây Bắc nước Pháp. Anh từng nhiều lần vô địch các lứa tuổi thiếu niên của tỉnh Seine-Maritime, và đạt trình độ huyền đai nhất đẳng vào năm 1995. Đòn sở trường của Pesquet là Harai Goshi (kỹ thuật quật qua hông). Một trong những vật dụng cá nhân yêu thích được anh mang theo khi lên ISS lần đầu tiên vào năm 2016 chính là chiếc đai đen judo.
Những ngày tháng tập võ đã rèn cho Pesquet tính kiên trì và giúp anh hiểu được giá trị của nỗ lực khi thực hiện được những kỹ thuật khó, hoặc khi ghi điểm trước đối thủ giỏi hơn trong lúc đấu luyện. Gắn bó suốt thời gian dài, và đến nay vẫn rất yêu thích judo, khi thời gian cho phép, Pesquet nhiệt tình tham gia các buổi giao lưu, hội thảo do Liên đoàn Judo Pháp tổ chức. Pesquet còn cho biết sẽ cố gắng thu xếp thời gian để tập luyện và thi lên nhị đẳng.
Vốn quen tích lũy cho "phần phía dưới" của bản sơ yếu lý lịch, Pesquet không ngần ngại khám phá những hành trình mới lạ được mở ra trước mắt, bao gồm cả kỳ thi tuyển vào chương trình đào tạo phi công của hãng hàng không Air France. Anh kể: "Tôi nhận ra rằng rào cản lớn nhất của thành công chính là thói quen ‘tự kiểm duyệt’. Nếu bạn còn trẻ, hãy dám thử sức mình. Như kỳ thi của Air France để tìm kiếm phi công tiềm năng, mọi người đều có thể dự miễn phí. Nhưng có nhiều người, dù có năng lực, không dám đăng ký, vì cứ nghĩ đó là mục tiêu xa vời hoặc chưa thi mà đã lo rằng mình không thể làm được gì. Cứ thử đi, kể cả không đậu, bạn cũng đâu có mất gì. Nhưng biết đâu lần thử sức đó sẽ mang đến một cơ hội đặc biệt?".
Và khi cơ hội đến, những giá trị từ thể thao, âm nhạc và các hoạt động ngoại khóa một lần nữa lại trở thành lợi thế của Pesquet. Vì "những sứ mệnh không gian không cần đến siêu anh hùng, nhưng lại rất cần những người biết cách làm việc tập thể". Sáu tháng cùng nhau trải qua ở ISS, với nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành, liên quan đến những lĩnh vực khác nhau, nên các phi hành gia không thể thiếu tinh thần đồng đội, phải biết cách lắng nghe, thảo luận, và luôn giữ được sự trầm tĩnh, kiên nhẫn.
Pesquet nhận xét: "Những phẩm chất này cần cho việc khám phá vũ trụ nhưng cũng quan trọng đối với mọi ngành nghề. Tôi chẳng phải là người thông minh nhất, tuy nhiên, tôi chưa bao giờ gặp vấn đề khi cần phải làm việc chung với ai đó. ‘Phần phía dưới’ của sơ yếu lý lịch đã mang lại cho tôi những điều có giá trị không kém kiến thức hàn lâm".
Tokyo, Paris và ISS
Không chỉ mang lại những giá trị tinh thần, việc giỏi thể thao thật sự là một lợi thế lớn để Pesquet trở thành phi hành gia. Chương trình tuyển chọn các ứng viên tham gia sứ mệnh trên Trạm Không gian Quốc tế luôn có phần đánh giá thể lực. Quá trình huấn luyện trước khi các ứng viên được chọn chính thức bay vào vũ trụ cũng có phần không nhỏ dành cho rèn luyện thể chất. Khi đã lên đến ISS, hàng ngày, trong thời khóa biểu của các phi hành gia đều bắt buộc phải có 2 tiếng 30 phút cho thể thao. Sáu tháng trôi lơ lửng trong trạng thái phi trọng lượng, hầu như không cần bỏ chút sức lực cơ bắp gì cho sinh hoạt hàng ngày, hệ cơ - xương của các phi hành gia sẽ "xuống cấp" rất nhanh như những người lười tập thể dục. Họ cần phải tập luyện để khi quay về Trái đất vẫn giữ được sức khỏe tốt, có thể đi đứng vững vàng... Trạm Không gian có ba cỗ máy, tuy công dụng và bề ngoài khá giống với máy đi bộ, máy đạp xe tại chỗ, hệ thống tạ, đều được thiết kế và chế tạo đặc biệt để phù hợp với việc luyện tập trong môi trường "trôi nổi".
Ngoài thời gian rèn luyện bắt buộc, Pesquet luôn thể hiện tình yêu thể thao khi có các giải đấu quan trọng. Anh nhiệt tình ủng hộ trận chung kết vào cuối tháng Năm vừa qua giữa hai đội của Pháp tại Cup Các CLB Bóng bầu dục châu Âu (Champions Cup), và chiến thắng thuộc về "đội ruột" từ thời sinh viên của Thomas là Stade Toulousain. Sau bóng bầu dục, giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro 2021) rồi Olympic Tokyo đều được Pesquet cổ vũ từ Trạm Không gian. Nhằm lan tỏa tinh thần của Thế Vận Hội và khích lệ cộng đồng chơi thể thao, trong lúc thủ đô Nhật tưng bừng với những trận đấu của các vận động viên hàng đầu thế giới, trên ISS, các phi hành gia cũng chia thành hai đội theo "đội hình" và theo tên phi thuyền đã đưa họ lên trạm (Dragon và Soyuz) để tranh tài ở môn phù hợp với trạng thái phi trọng lượng: bơi nghệ thuật.
Ngày 8/8, tại lễ bế mạc Tokyo 2020, Pháp - nước chủ nhà của Olympic tiếp theo đã có đoạn phim giới thiệu rất ấn tượng về Paris 2024, từ sân Stade de France đến bảo tàng Louvre, tháp Eiffel, và kết thúc ở... ISS, với màn biểu diễn saxophone của Pesquet ngay trước mái vòm của Trạm Không gian - nơi có thể nhìn rõ về Trái đất. Phi hành gia cất lên giai điệu mời gọi người hâm mộ khắp thế giới cùng hướng về kỳ Thế Vận Hội trên đất nước của anh.
Tình yêu thể thao đã giúp Pesquet trở thành cầu nối hoàn hảo giữa Paris, Tokyo với ISS.
Lan Chi