"Thay mặt phi hành đoàn Trạm vũ trụ quốc tế xin chúc mừng các đồng nghiệp tuyệt vời của chúng tôi là Victor Gorbatko và Phạm Tuân nhân kỷ niệm 35 năm chuyến bay vũ trụ Việt - Nga", nhà du hành Padalka nói trong một đoạn video quay trong trạm vũ trụ quốc tế ISS. Video được phát chiều 22/7 tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, nơi V. Gorbatko và Phạm Tuân tham dự nhân kỷ niệm 35 năm chuyến bay lịch sử.
Gennady Padalka là chỉ huy phi hành đoàn chuyến thám hiểm số 44 của Nga đang làm việc trên trạm ISS cùng các nhà du hành vũ trụ của các quốc gia khác. Trong thông điệp chúc mừng, ông nhắc lại chuyến bay của V. Gorbatko và anh hùng Phạm Tuân 35 năm trước như "một trang sử quan trọng của mối quan hệ Việt Nam và Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay)".
"Thật có ý nghĩa khi đại diện đầu tiên của châu Á bay vào vũ trụ là một công dân Việt Nam - đất nước đã dũng cảm gánh trên vai cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ, đau thương và đẫm máu kéo dài 30 năm", Padalka nói trước khi gửi lời chúc mừng hai nhà du hành vũ trụ sức khỏe, sống lâu và gia đình hành phúc.
Nhà du hành vũ trụ người Nga V. Gorbatko, nay đã 80 tuổi, sang Việt Nam hôm 21/7 để gặp lại người bạn thân thiết, Trung tướng Phạm Tuân và cùng nhau tham dự một số sự kiện kỷ niệm 35 năm chuyến bay của hai người vào vũ trụ.
Ngày 23/7/1980, tại sân bay vũ trụ Baykonur (Kazakhstan), phi công anh hùng Phạm Tuân cùng nhà du hành Gorbatko đã xuất phát trên con tàu Soiuz-37 bay vào vũ trụ và trở về Trái đất 8 ngày sau đó, làm nên một chuyến thám hiểm vũ trụ lịch sử.
"35 năm trôi qua, nhưng những ký ức về chuyến bay vũ trụ ấy vẫn trong trái tim tôi. Cuộc đời sắp đặt khiến tôi không có mấy dịp gặp lại người anh em vũ trụ Phạm Tuân, nhưng mỗi cuộc gặp với anh ấy mang lại cho tôi những niềm vui vô cùng lớn. Chuyến bay của chúng tôi đã trở thành dấu mốc quan trọng của tình hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta", nhà du hành Gorbatko nói.
Chia sẻ về chuyến bay lịch sử, Trung tướng, anh hùng Phạm Tuân nhớ lại, 35 năm trước, Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ, tiếng bom đạn ở biên giới phía Bắc và phía Nam vẫn chưa ngớt, nền kinh tế bị tàn phá nặng nề chưa được khôi phục. Đảng, nhà Nhà nước đã quyết định gửi cán bộ tham gia chương trình thám hiểm vũ trụ của Liên Xô.
"Nước bạn đã ủng hộ chúng ta trong chiến tranh, nay lại mời ta tham gia chương trình thám hiểm vụ trụ, muốn đưa người Việt Nam lên một tầm cao mới. Chuyến đi thành công đã mang ý nghĩa rất lớn trên nhiều mặt như chính trị, ngoại giao và khoa học", anh hùng Phạm Tuân nói.
Quý Đoàn