Chị Hoa, ở quận Gò Vấp (TP HCM) cho biết, dịch bệnh hạn chế ra đường nên chị nhờ người nhà ở Kon Tum gửi cho thùng đồ ăn (rau củ, thịt cá....) nặng 15 kg. Khi đi gửi, người thân của chị tá hoả vì giá vận chuyển tăng chóng mặt. Nếu trước đây thùng hàng trên có giá cước 50.000 đồng, nay tăng gấp 4 lần lên 200.000 đồng.
Khi đến TP HCM, nhà xe phải thuê thêm shipper giao hàng tới nhà chị với giá cước 150.000 đồng nữa, tăng gấp 3 so với trước dịch. Tính ra, tổng tiền cước cho thùng thực phẩm 15 kg từ Kon Tum gửi đến tay chị là 350.000 đồng.
Tương tự, chị An, ở quận Bình Thạnh cho biết, gia đình cũng ở Kon Tum gửi cho thùng thức ăn khoảng 20 kg và phải trả phí ship cho nhà xe tới 300.000 đồng, cộng thêm 300.000 đồng tiền phí vận chuyển từ nhà xe về tới nhà. Như vậy, tính ra chị phải trả tới 600.000 đồng tiền cước cho thùng hàng 20 kg.
"Tôi đã ở TP HCM 10 năm nhưng chưa bao giờ phải chịu mức giá giao hàng tăng chóng mặt như vậy", chị An nói.
Không chỉ người dân chịu mức phí vận chuyển cao mà ngay cả thương lái cũng đang phải ngậm ngùi vì nhà xe tranh thủ tăng giá chóng mặt.
Chị Loan - một người chuyên bán hải sản Phú Yên cho rằng, chị cảm thấy phát hoảng với cước giao hàng như hiện nay. "Có thùng hàng, tiền hàng chỉ khoảng hơn một triệu đồng nhưng tiền ship chiếm tới gần một nửa. Tôi báo giá cho khách mà cũng thấy ái ngại", chị Loan chia sẻ.
Chị Mai, thương lái chuyên buôn khoai ở các tỉnh Tây Nguyên cũng cho biết, giá vận chuyển hàng hoá được các nhà xe báo tăng gấp 4 lần. Trước đây, chị gửi một tấn khoai lang vào TP HCM giá chỉ 200.000 đồng nhưng nay lên 800.000 đồng.
"Vì cước vận chuyển tăng quá cao nên khi khoai vào đến nơi, tiểu thương buộc phải tăng thêm vài giá khi bán ra mới mong có lời", chị Mai nói và cho biết, cũng chính vì giá vận chuyển tăng quá cao nên hàng hoá tại các địa phương ở Tây Nguyên khó đưa vào TP HCM mặc dù nông sản đang dư thừa.
Nguyên nhân là cả huyện nơi chị lấy hàng chỉ có 1-2 xe vận chuyển hàng hoá vào TP HCM nên nhà xe tranh thủ ép giá người gửi hàng.
Cũng xác nhận việc giao hàng khó khăn, nhà xe Tân Anh ở Kon Tum cho biết, hiện nay xe khách đều bị cấm nên không thể di chuyển vào TP HCM. Trong khi đó, chỉ xe tải được hoạt động nhưng thời gian di chuyển cũng bị kéo dài nên chi phí tăng lên. "Nếu trước đây xe di chuyển từ Kon Tum vào TP HCM mất 10-12 tiếng, nay phải 18-20 tiếng. Trong khi đó, phải chi thêm chi phí test Covid-19, xăng dầu tăng, chi phí qua các chốt kiểm soát... nên đẩy giá vận chuyển tăng cao", nhà xe này nói.
Không chỉ Kon Tum, các nhà xe ở Nha Trang, Phú Yên cũng cho rằng, nhiên liệu cho các loại xe chở hàng thường tăng hơn nhiều so với xe chở khách, trong khi đó, họ phải chi đủ mọi chi phí trong thời kỳ dịch bệnh nên khiến giá cả leo thang.
Còn với việc phí giao hàng trong nội thành TP HCM tăng cao cũng được các shipper lý giải là việc di chuyển khó khăn do bị kiểm soát chặt khi giao hàng liên quận. Anh Thành ở quận 10, một shipper lâu năm cho biết, để giao được thùng hàng liên quận, anh phải liên kết với shipper của các quận khác. Chẳng hạn khi muốn giao hàng từ quận 10 sang quận Gò Vấp, anh phải chuyển hàng cho 2 shipper mới tới được tay người nhận nên giá tăng gấp 3 lần.
"Tôi cũng không muốn lấy giá cao nhưng vì hoạt động giao hàng rất khó, đi lại phải qua nhiều chốt nên khách buộc phải chịu thiệt. Do đó, trước khi giao hàng, chúng tôi đều trao đổi trước, khách đồng ý mới giao", anh Thành nói.
Hồng Châu