Mồ hôi chảy xuống má, tóc dính nhẹp vào trán sau nhiều giờ đội mũ bay, phi công Bùi Đình Thảo (Phi đội trưởng Phi đội 2, Trung đoàn không quân 925, Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không - Không quân) tươi cười rời buồng lái. Là phi công quân sự cấp 1 (cấp độ cao nhất của Không quân Nhân dân Việt Nam) khi mới 33 tuổi, anh Thảo được thầy giáo, đồng đội đánh giá cao về tài năng, bản lĩnh và kỹ thuật bay.
Cao 1,85 m khi học cấp 3, là tuyển thủ đội bóng chuyền địa phương với sự nghiệp thể thao hứa hẹn, nhưng Thảo lại bén duyên với quân đội khi đoàn công tác của Quân chủng Phòng không - Không quân về huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng khám tuyển năm 2003. Bố anh bảo "đi cho biết", nhưng Thảo sau đó là một trong năm thanh niên của Hải Phòng vượt qua vòng khám tuyển, trong số hàng nghìn người đăng ký.
Thảo nhớ mãi ngày hôm đó vì ngại ngùng nên đã không bỏ quần áo để khám ngoại khoa. Thấy chàng trai vừa vào phòng đã ra luôn, một sĩ quan đến hỏi chuyện. Ông nhẹ nhàng giải thích, rồi dẫn anh đi khám lần lượt các khoa, cuối cùng mới đến khám ngoại. "Tôi nhớ tên bác là Phan Thành. Tôi biết ơn bác ấy suốt đời vì nhờ bác tôi được làm phi công quân sự", anh Thảo nói.
Tốt nghiệp Trường sĩ quan Không quân năm 2009, Thảo được phân về Trung đoàn 940, Trường Sĩ quan Không quân, tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Sau đó, đơn vị này đổi phiên hiệu là Trung đoàn 925, Sư đoàn 372, chịu trách nhiệm bảo vệ dải đất miền Trung từ vĩ tuyến 13 đến 18 và vùng biển đảo. Tại đây, anh được làm quen và dần thành thục với Mig-21 - chiến đấu cơ từng được anh hùng Phạm Tuân sử dụng để bắn rơi B-52 năm 1972.
Thảo nói làm phi công, ai bay Mig-21 sẽ "không ngán bất cứ loại máy bay phản lực nào" vì đây là tiêm kích khó làm chủ, điều khiển tốt nhưng kém ổn định. Máy bay sử dụng cánh tam giác có diện tích bé, lực nâng ít. Không quân các nước đều coi Mig-21 là quan tài bay, là máy bay khó lái chỉ thua tàu vũ trụ.
Năm 2011, phi công Thảo chuyển loại sang tiêm kích đa năng Su-27. Máy bay có thể thực hiện nhiều vai trò trong chiến đấu bao gồm không chiến và tấn công mục tiêu mặt đất bằng bom, rocket. Nhờ đã thuần thục sử dụng Mig-21 nên anh tiến bộ nhanh chóng.
Để lên được phi công cấp 1, anh phải đủ giờ bay tích lũy, vượt qua tất cả bài bay từ dễ đến khó. Thử thách lớn nhất đối với Thảo vẫn là bài bay đêm khí tượng phức tạp. Bài bay này hóc búa vì trời tối, nhiều mây, việc xác định trạng thái máy bay trong không gian rất phức tạp, tầm nhìn hạn chế.
"Lúc này, phi công như con chim bay trong bão. Nhiệm vụ là rời khỏi tổ nhưng khi quay về phải tự tìm được đường và trở lại bãi đỗ an toàn. Nếu trình độ không đủ thì bay lên rồi không tìm được đường về sân bay hạ cánh", anh nói.
Những ngày đầu mới bay, để khắc phục hạn chế về tầm nhìn trong những bài bay khó, phi công Bùi Đình Thảo xác định vị trí phương vị, cự ly trên đồng hồ trong buồng lái, hình dung mình đang ở đâu để tìm đường. Dựa vào cự ly, tốc độ, anh tính nhẩm được thời gian bay đến điểm cần đến. Khi thành thục hơn, anh không còn quá phụ thuộc vào yếu tố dẫn đường. Phi công chiến đấu đều là những chuyên gia tính nhẩm, làm toán nhanh. Mọi phép tính trong đầu cho ra kết quả chỉ mất 3 đến 5 giây với độ chính xác rất cao.
Quá trình rèn luyện, học tập đối với phi công, lý thuyết luôn gắn chặt thực hành. Song học được 10 phần, khi lái máy bay trên trời chỉ vận dụng được 6-7 phần do thiếu oxy. Do đó, nhiều người là học viên xuất sắc, nhưng đến lúc huấn luyện cũng không bay được.
Theo trung tá Bùi Đình Thảo, đối với phi công chiến đấu, bài bay đòi hỏi kinh nghiệm, bản lĩnh và chứng tỏ được năng lực nhiều nhất là công kích mục tiêu ở trên không. Để thành thạo những bài bay này, phi công phải nhào lộn phức tạp độ cao thấp và kết hợp nhiều động tác sử dụng vũ khí, điều khiển máy bay thuần thục.
"Phi công phải tập bắt máy bay bằng mắt với cự ly lên đến 30 km, tức là máy bay mục tiêu chỉ bé bằng đầu bút nhưng phi công vẫn bám sát vị trí, chiếu vị vào ống kính", anh nói.
Một ngày thực hiện nhiệm vụ huấn luyện bay của Thảo và đồng đội thường bắt đầu từ 4h. Đây là lúc phi công ăn sáng, đo huyết áp, kiểm tra trang bị bay. Một tiếng sau, khi tất cả thủ tục, điều kiện trang bị hoàn tất, anh bắt đầu thực hiện nhiệm vụ. Với những chuyến bay tuần tiễu, máy bay làm nhiệm vụ thường mang tên lửa với mục đích phát hiện, đánh chặn địch từ xa, bằng mọi cách không để địch tiến sâu vào đất liền đánh phá mục tiêu quan trọng.
Để đảm bảo sức khỏe thực hiện nhiệm vụ, anh Thảo và đồng đội phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể chất, tinh thần nghiêm ngặt, dưới sự giám sát của sĩ quan trợ lý thể thao. Mỗi tuần, phi công có ít nhất ba ngày luyện tập theo giáo trình cứng với 10 km chạy bộ và các bài tập thể thao hàng không như quay trụ, thang đu để rèn luyện tiền đình, làm quen trạng thái trong không gian. Sau khi hoàn thành tất cả nội dung trên, phi công tự do chơi môn thể thao khác.
Hơn 15 năm làm phi công, với 1.200 giờ bay, trung tá Bùi Đình Thảo đã hoàn thành hàng trăm nhiệm vụ, diễn tập lớn nhỏ. Năm 2019, anh và đồng đội được giao thực hiện bài thi ném bom tại Trường bắn biển - đảo Hòn Tý, tỉnh Bình Thuận (TB-5) với nhiệm vụ bay Su-27 mang bom và tên lửa công phá trúng mục tiêu. Kết quả, anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được các thủ trưởng quân chủng đánh giá cao.
Từ ngày 16 đến 20/7, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức Hội thao dẫn đường và diễn tập ném bom, bắn đạn thật tại Trường bắn Như Xuân (Thanh Hóa). Các bài thi nhằm đánh giá trình độ kíp, trạm radar dẫn đường; khả năng phát hiện và đánh chặn mục tiêu bằng mắt, bằng khí tài của phi công; khả năng tính toán và giữ số liệu bay đường dài của tổ bay trực thăng.
Đây là hình thức huấn luyện cao nhất nhằm nâng cao năng lực chỉ huy, hiệp đồng, điều hành bay cho cán bộ cấp trung đoàn toàn quân chủng. Đây cũng là dịp đánh giá chất lượng vũ khí trang bị và công tác đảm bảo kỹ thuật, khả năng tác chiến, thao tác chiến đấu của từng cán bộ, phi công nhất là trong điều kiện ban đêm và tình huống phức tạp. Từ đó, Quân chủng sẽ rút ra bài học kinh nghiệm, tổ chức huấn luyện lực lượng sát với thực tiễn và hướng phát triển của chiến tranh hiện đại.