Sáng 7/11, một ngày sau sự cố rơi máy bay Yak-130 trong lúc huấn luyện ở huyện Tây Sơn, Bình Định, thượng tá Nguyễn Hồng Quân, 42 tuổi, phi công buồng sau của máy bay đã dần hồi phục. Nằm theo dõi sức khỏe tại bệnh viện quân y với nhiều xây xát trên người nhưng anh Quân vẫn tỉnh táo.
Anh kể, lúc 9h55 ngày 6/11, cùng đồng đội là đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng Không quân 940 tổ chức huấn luyện bay trên chiếc Yak-130, cất cánh từ sân bay Phù Cát, Bình Định. Phi công Quân là chủ nhiệm bay, ngồi ở buồng lái phía sau, còn đại tá Sơn ở buồng trước.
Gần một giờ sau, bài tập kết thúc, cả hai quay về sân bay hạ cánh thì phát hiện máy bay không thể thả càng để đáp đường băng. "Chúng tôi quyết tâm phải hạ cánh bằng được để bảo vệ tài sản của quốc gia và đã thử nhiều lần với lượng nhiên liệu cho phép nhưng không thành công nên buộc phải nhảy dù", thượng tá Quân nói.
Dựa trên nguyên tắc an toàn, phi công buồng sau sẽ thoát hiểm trước, sau đó đến người ngồi ở buồng trước tránh va chạm. Theo thiết kế của máy bay, khi thoát hiểm ghế phóng có gắn động cơ sẽ đẩy phi công lên cao thêm 96 m rồi bung dù. Để hạn chế lực đẩy tác động, anh Quân khép chặt tay, chân vào thân người, ưỡn ngực, giữ đầu thẳng để không bị gãy cổ, tổn thương cơ thể và cắn chặt hàm răng tránh cắn lưỡi.
Thượng tá Quân cho biết sau khi phóng ra khỏi máy bay, anh cố gắng tránh rừng cây nhưng trời mưa to, gió lớn giảm tầm nhìn nên bị vướng dây dù, treo ở trên cành cây cao 10 m. Sau khoảng 10 phút, anh mở khóa, thoát khỏi dù, bám vào cành cây từ từ trèo xuống đất. Anh dùng túi cấp cứu xử lý các vết thương ban đầu, rồi dùng thiết bị định vị vị trí, xác định hướng để tìm sóng điện thoại.
Do trước khi nhảy dù, mũi máy bay hướng về rừng sâu nên phi công Quân đã đi tìm hướng ngược lại để tìm sự hỗ trợ. Anh tìm lên ngọn núi cao khoảng 700 m, cố gắng bắt sóng để thông báo vị trí trong khi điện thoại chỉ còn 18% pin. "Hơn 5 giờ sau, tôi mới liên lạc được đơn vị để cứu nạn nhưng điện thoại sau đó lại hết pin", anh Quân nói, cho biết trong thời gian chờ đợi, anh tìm vách núi che mưa gió lớn tránh nước lũ cuốn.
Cùng nhảy dù thoát hiểm khi máy bay gặp sự cố không thể khắc phục, phi công Nguyễn Văn Sơn cho biết đã dùng kỹ năng sinh tồn xác định hướng để đi bộ về nơi cất cánh ở sân bay Phù Cát cùng hướng 90 độ ra biển và đã leo lên ngọn núi, cách vị trí của đồng đội khoảng 600 m ở khu vực rừng núi Hầm Hô, xã Tây Sơn.
Sau khi nhận tín hiệu cầu cứu từ phi công, bộ đội cùng kiểm lâm và nhiều đơn vị đã lên đường cứu hộ. Tuy nhiên, người gặp nạn ở rừng sâu, đồi núi, sóng yếu, điện thoại tắt nguồn nên khó xác định vị trí gặp nạn. Lực lượng chức năng đã dùng đến phương tiện kỹ thuật để tăng công suất phát sóng lên 4 lần ở khu vực được dự đoán phi công nhảy dù để định vị.
Là người định vị vị trí phi công gặp nạn, anh Nguyễn Quang Ẩn, 34 tuổi nhân viên kỹ thuật Viettel Bình Định tại cụm Tây Sơn - Vĩnh Thạnh, cho biết khi được yêu cầu tham gia đoàn cứu hộ hai phi công mất tích đã lập tức vào trạm phát sóng ở xã Vĩnh An xoay hướng ăng-ten thu phát về hướng núi để hỗ trợ sóng tìm kiếm. Khoảng 17h30, khi nhận được thông tin vị trí của phi công gặp nạn từ công ty, anh Ẩn cùng hàng chục người cứu hộ tiến vào rừng sâu tìm kiếm.
Sau khoảng 2 giờ lội bộ, leo núi giữa trời mưa tầm tã, cả đoàn tới một đoạn suối nước dâng cao, chảy xiết. Khi gặp cây cầu nhỏ, nhiều người buộc phải nghỉ lại do quá mệt, còn 11 người tiếp tục hành trình. Cứ đi được một đoạn anh Ẩn lại mở điện thoại dò sóng để xác định vị trí và điều hướng tới nơi phi công gặp nạn. Bốn người dân địa phương có nhiệm vụ phát lối đi, tìm đường gần nhất theo vị trí định hướng của anh Ẩn.
Đến 20h - mười tiếng sau khi hai phi công nhảy dù, đoàn cứu hộ tìm thấy thượng tá Quân trong tình trạng trầy xước nhẹ chân tay và vùng mặt. Anh Quân mặc áo mưa và ăn mì gói, uống nước hồi sức, rồi được mọi người dẫn xuống núi. "Lúc ấy cả nhóm đã mệt lã, dự định quay về, song khi tôi mở máy thấy tọa độ của anh Sơn cách đó khoảng 600 mét đường rừng", anh Ẩn kể.
Sợ anh Sơn trong rừng qua đêm mưa ướt lạnh sẽ rất nguy hiểm, đoàn thống nhất để các thành viên đuối sức hỗ trợ đưa phi công Quân xuống núi trước. Vài người còn lại tiếp tục dò dẫm từng bước một, mất gần 3 giờ nữa họ mới nghe tiếng gọi của phi công Sơn.
"Lúc tìm được anh Sơn, mọi người gần như kiệt sức, tất cả đều bị căng cơ và đói, khát. Còn một chai nước không ai dám uống và 2 gói mì, chúng tôi để dành cho phi công. Khi đi qua suối, khát quá cả đoàn đành uống tạm nước suối để tiếp tục hành trình", anh Ẩn kể.
Theo trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, trong trường hợp máy bay gặp sự cố như vừa qua, phi công được chỉ lệnh phải nhảy dù là hoàn toàn chính xác. Không thể hạ cánh khẩn cấp trên mặt đất, ở đường băng hay đường bêtông được rải chất chống cháy bởi càng của máy bay không bung làm mất thăng bằng dễ xảy ra cháy, nổ khiến phi công hy sinh.
Từng lái máy bay chiến đấu, tiêm kích, trung tướng Sơn cho biết sự cố hai phi công Trung đoàn không quân 940 gặp phải là "vô cùng phức tạp". Khi chuẩn bị về sân bay, họ phát hiện một càng phải phía sau không bung, trong khi hai càng trước và càng trái phía sau đã sẵn sàng để đáp đất. Trong các phương án đưa ra, thậm chí phi công đã tạo sự quá tải lớn "kéo gập gần như phá máy bay" mà bộ phận càng không thể hạ.
Theo ông Sơn, nếu tất cả càng không bung, người lái vẫn có thể hạ cánh bằng bụng máy bay. Tuy nhiên một càng không ra, còn các càng kia không thể gập lại thì tình huống này dứt khoát phải nhảy dù. Phi công lái máy bay lựa chọn vị trí nhảy dù cách xa khu dân cư, hướng về phía núi không ảnh hưởng đến dân thường cũng là một hành động chính xác, dũng cảm.
"34 năm lái máy bay chiến đấu, đào tạo phi công, tôi hiểu được tính chất sự cố phải quyết định trong tích tắc và phải thật chính xác, nếu sai sót nhỏ cũng hy sinh", ông nói.
Trần Hóa - Phạm Linh - Đình Văn