Truyền hình quân đội Nga hôm nay công bố video tiêm kích hạng nặng Su-35S xuất kích hộ tống biên đội oanh tạc cơ chuẩn bị tập kích mục tiêu tại Ukraine, cho biết phi cơ này đã phát hiện và ngăn chặn một nhóm tiêm kích đối phương đánh chặn oanh tạc cơ.
"Trong lúc làm nhiệm vụ, tôi phát hiện biên đội máy bay đối phương và khóa mục tiêu, chuẩn bị tung đòn tấn công. Họ lập tức quay đầu và từ bỏ nỗ lực tiếp cận nhóm oanh tạc cơ", Ivan, phi công điều khiển chiếc Su-35S, cho hay.
Video do quân đội Nga công bố cho thấy chiếc Su-35S cất cánh với cấu hình vũ khí tiêu chuẩn gồm tên lửa đối không tầm xa R-37M, tầm trung R-77M-1, tên lửa đối không tầm ngắn R-74M, tên lửa diệt radar Kh-31P và tổ hợp tác chiến điện tử trên hai đầu cánh.
Tiêm kích Su-35S Nga làm nhiệm vụ trong video công bố hôm nay. Video: Zvezda
Trong hình ảnh từ màn hiển thị trước mặt phi công, chiếc Su-35S đang khóa ít nhất một mục tiêu ở khoảng cách gần 120 km và chuẩn bị tên lửa R-37M cho đòn tấn công, nhưng chưa khai hỏa. Khi Su-35S Nga khóa mục tiêu, tiêm kích Ukraine nhiều khả năng cũng đã phát cảnh báo để phi công cơ động né tránh.
Tiêm kích Nga sau đó hạ cánh với cơ số vũ khí còn nguyên vẹn. Bộ Quốc phòng Nga nói rằng toàn bộ biên đội oanh tạc cơ đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về căn cứ an toàn.
Quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Báo cáo tháng 11 năm ngoái của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) đánh giá chiến đấu cơ Nga duy trì được "hiệu quả và mức sát thương cao" khi đối đầu với máy bay Ukraine ở gần tiền tuyến, đặc biệt là tiêm kích Su-35S trang bị tên lửa không đối không R-37M và R-77-1.
Theo Ashish Dangwal, biên tập viên của Eurasian Times, chiến đấu cơ Ukraine thường hoạt động ở độ cao rất nhỏ để tránh tên lửa từ tiêm kích Nga. "Khi bị nhắm mục tiêu, phi công Ukraine sẽ hủy nhiệm vụ ngay lập tức để có thể sống sót", Dangwal cho biết.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP
Tư lệnh không quân Ukraine Mykola Oleshchuk hồi tháng 8 cũng thừa nhận tiêm kích trong biên chế Ukraine có tính năng thua kém đáng kể so với Su-35S, khiến họ không thể bắn trả đối phương trong giao tranh.
"Radar trên Su-35S có tầm hoạt động 400 km, trong khi máy bay của chúng tôi quan sát được khoảng 80-90 km. Tầm bắn tên lửa của họ lên tới 200 km, trong khi MiG-29 và Su-27 Ukraine chỉ có thể chặn mục tiêu ở khoảng cách 20-40 km. Điều đó có nghĩa là chiến đấu cơ Ukraine luôn nằm trong tầm bắn của Su-35S ngay khi cất cánh", ông nói.
Vũ Anh (Theo Zvezda, Reuters, Eurasia Times)