Xem trang web ảnh vệ tinh TomNod, phi công Michael Hoebel nói ông bị sốc khi nhìn thấy một chiếc máy bay trong tình trạng dường như không bị gãy. "Tôi giật mình vì không thể tin tôi sẽ tìm thấy thứ này", ông nói với một đài truyền hình địa phương.
Bức ảnh chụp vật thể dường như là một chiếc máy bay ở vịnh Thái Lan, chính là địa điểm phi cơ của Malaysia Airlines liên lạc lần cuối với đài kiểm soát không lưu trước lúc mất tích vào rạng sáng 8/3.
Khi được hỏi liệu đó có thể là một con cá mập hay không, Hoebel cho biết "đó phải là con cá mập dài 64 m". Phi công 60 tuổi so sánh kích cỡ vật thể trên trang web với những chỉ số máy bay trên trang của Boeing, và phát hiện ra vật thể màu trắng này có kích thước "hoàn hảo".
"Lớp vỏ sáng màu này là nơi cánh máy bay gắn với phần thân, bạn có thấy lớp vỏ sáng màu đó không?", trang News.com.au dẫn lời ông khi so sánh bức ảnh vệ tinh với một bức chụp quá trình lắp ráp máy bay.
Bất chấp tuyên bố của Hoebel, cuộc tìm kiếm máy bay mất tích sẽ tiếp tục dưới biển Ấn Độ Dương. Thủ tướng Australia Tony Abbott cho biết hiện khó có thể tìm thấy mảnh vỡ máy bay nào trên mặt biển, vì vậy cuộc tìm kiếm phi cơ sẽ bước sang giai đoạn mới, tập trung "dưới biển". Ông Abbott cũng mô tả cuộc tìm kiếm có thể là "khó nhất trong lịch sử nhân loại".
Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích hôm 8/3 cùng 239 hành khách và tổ bay, trong chặng từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Sau 16 ngày tìm kiếm mà không thấy mảnh vỡ phi cơ, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố rằng dựa trên dữ liệu vệ tinh, chuyến bay đã kết thúc tại phía nam Ấn Độ Dương.
Trọng Giáp