Theo Telegraph, gần hai tháng trước khi cơ phó Germanwings Andreas Lubitz khóa cơ trưởng ngoài buồng lái và được cho là lao máy bay xuống dãy Alps hôm 24/3, giết chết toàn bộ 150 người trên phi cơ, Jan Cocheret, phi công người Hà Lan, từng viết bài "Có mở cửa ra không?" trên tạp chí chuyên ngành Piloot en Vliegtuig (Phi công và Máy bay).
Cocheret cảnh báo các biện pháp an ninh được thiết kế nhằm ngăn chặn không tặc chiếm quyền kiểm soát máy bay sau vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ rất có thể bị lợi dụng. Ông chỉ ra từng có vài trường hợp phi công chặn cửa không cho đồng nghiệp vào buồng lái và cố ý cho máy bay rơi.
Gần đây nhất, hồi tháng 11/2013, khi cơ trưởng Herminio dos Santos Fernandes lái chuyến bay TM470 từ Maputo, thủ đô Mozambique, đến Luanda, thủ đô Angola, đã "cố ý" làm rơi chiếc Embraer 190, giết chết toàn bộ 33 người.
"Hắn chờ đồng nghiệp rời khỏi buồng lái, và khi thời cơ đến, hắn cho máy bay bổ nhào xuống sa mạc Namibia. Âm thanh cuối cùng ghi được là tiếng kêu tuyệt vọng ngoài buồng lái", Cocheret viết.
Ông đồ rằng chuyến bay của Malaysia Airlines chở 239 người biến mất tháng 4/2014 trên hành trình từ Kuala Lumper đi Bắc Kinh, đã chịu số phận tương tự. "Một năm sau, vẫn không ai biết chuyện gì đã xảy ra với chiếc Boeing 777 mất tích".
"Một trong những kịch bản đang được điều tra là một trong hai phi công đã cố chiếm buồng lái nhân lúc đồng nghiệp ra ngoài", ông viết.
Các công tố viên cho rằng cơ phó Lubitz, người từng có khuynh hướng tự tử, nhân lúc cơ trưởng ra ngoài đi vệ sinh đã khóa cửa và lao máy bay xuống núi. Bị khóa ngoài cánh cửa kiên cố bằng thép chống đạn, cơ trưởng tuyệt vọng cố gắng dùng rìu phá cửa và hét lên "Mở cái cửa chết tiệt này ra ngay".
Cocheret cho rằng hệ thống cửa buồng lái khiến ông ám ảnh về "người ngồi bên cạnh trong buồng lái. Làm thế nào tôi dám chắc tin tưởng anh ta? Có thể điều gì đó khủng khiếp đã xảy đến với anh ta mà người đó không thể vượt qua."
"Có cách để vào buồng lái, nhưng nếu người bên trong vô hiệu hóa mã bảo vệ để vào trong, không thể làm gì ngoài việc ngồi ngoài đó với hành khách và đợi xem chuyện gì sẽ đến."
Sau tai nạn thảm khốc của Germanwings, Cocheret viết trên mạng xã hội Facebook rằng: "Thật không may, kịch bản khủng khiếp này đã trở thành sự thực". Ông cho biết bài viết trên tạp chí chuyên ngành là "một chủ đề nhạy cảm mà tôi thấy rằng không phù hợp" để phổ biến rộng rãi.
Cơ quan điều tra tai nạn hàng không Pháp BEA cho biết vụ điều tra sẽ tìm hiểu "những điểm yếu có tính hệ thống" có thể đã dẫn đến thảm họa, chẳng hạn như kiểm tra hồ sơ tâm lý và hệ thống khóa cửa buồng lái.
"Cuộc điều tra sẽ hướng vào nguyên lý hệ thống khóa cửa buồng lái, thủ tục truy cập và ra khỏi buồng lái, cũng như các tiêu chuẩn và trình tự phát hiện hồ sơ tâm lý cá biệt", BEA tuyên bố.
BEA cho biết, việc điều tra nhằm xác định biện pháp an toàn giúp ngăn ngừa lặp lại bi kịch thảm khốc trong tương lai, chứ không tìm cách đổ lỗi hay quy tội cho ai.
Hồng Hạnh