Tham gia hội thao dẫn đường và diễn tập tại sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày 17/7, trung tá Đỗ Toàn Thịnh (Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 923, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) giành giải nhất lý thuyết và giải toàn năng cho phi công phản lực (nhất cả lý thuyết và thực hành).
Hơn 10 năm trước, anh Thịnh là phi công trẻ nhất được Quân chủng Phòng không - Không quân lựa chọn đào tạo khai thác, làm chủ máy bay Su-30MK2 - một trong những tiêm kích hiện đại nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Sau 7 năm rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ, anh được thủ trưởng chọn làm giảng viên bay huấn luyện lứa phi công Su-30 tiếp theo.
Su-30MK2 là máy bay chiến đấu hiện đại nhất được biên chế trong Quân chủng Phòng không - Không quân hiện nay. Đây là tiêm kích đa năng siêu âm hai chỗ ngồi dùng để tiêu diệt máy bay mang tên lửa chiến lược, chiến thuật, bom và các dạng mục tiêu trên không khác. Loại máy bay này có hệ thống vũ khí tiến công điều khiển chính xác tầm xa với lượng vũ khí mang theo lên đến 8 tấn.
Động cơ công nghệ mới giúp Su-30MK2 có thể đạt vận tốc lên tới Mach 2 (hơn 2.000 km/h). Phạm vi hoạt động của máy bay khoảng 3.000 km khi không tiếp nhiên liệu. Được thiết kế với mục đích tăng cường khả năng tấn công trên biển, Su-30MK2 có nhiều cải tiến về tác chiến điện tử như hệ thống chỉ huy, điều khiển, truyền tin, máy tính, tình báo, giám sát, bắt mục tiêu và trinh sát.
Với những tính năng đó, để được phê chuẩn là giáo viên bay "hổ mang chúa", anh Thịnh phải đạt trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng bay tốt, thành thục tất cả khoa mục bay, cả về lý thuyết và thực hành. Ngoài chỉ dẫn cho phi công về yếu lĩnh động tác, giáo viên bay ngồi buồng sau phải sẵn sàng bảo hiểm, hướng dẫn phi công ở buồng lái trước.
Trung tá Thịnh nói, trong huấn luyện phi công, nguyên tắc "thao trường đổ mồ hôi thì chiến trường ít đổ máu" vẫn được quán triệt xuyên suốt. Do đó, phi công trẻ thường trải qua giai đoạn chuẩn bị mặt đất rất chặt chẽ về số liệu, yếu lĩnh động tác, nội dung bài bay, phương án xử lý bất trắc và bay buồng tập thành thục. Giáo viên phải đầu tư thời gian, kèm cặp và nắm được đặc điểm tâm sinh lý của từng phi công trẻ để đưa ra phương pháp huấn luyện, truyền đạt phù hợp.
Ở "giảng đường trên không", việc huấn luyện thực hiện thông qua trao đổi giữa phi công buồng trước và sau, trong điều kiện hạn hẹp về không gian, thời gian; không gian tác chiến lại rộng, cường độ cao và liên tục. Phi công không có điều kiện thực hiện một động tác nhiều lần, giáo viên ngồi buồng sau không thể cầm tay, chỉ trực tiếp cho học viên ở vị trí buồng trước, nên anh Thịnh ưu tiên phương pháp truyền đạt ngắn gọn, hiệu quả.
"Ngay từ giai đoạn chuẩn bị bay ở mặt đất, công tác hiệp đồng giữa phi công và giáo viên phải rất chặt chẽ từ lúc mở máy, lăn ra, phương án xử lý bất trắc trên không và lúc hạ cánh, lăn về, tắt máy. Trong suốt chuyến bay, phi công không được làm động tác thừa ngoài nội dung đã hiệp đồng", anh Thịnh cho hay.
Phi công buồng lái trước thường trẻ nên khi tình huống bất trắc xảy ra, tâm lý chưa vững vàng, dễ dao động, mất bình tĩnh. Những lúc đó, giáo viên như anh Thịnh vừa phải hướng dẫn xử lý tình huống, vừa trực tiếp sử dụng thiết bị để giữ trạng thái, đưa máy bay về sân bay hạ cánh.
Chuyến bay huấn luyện đáng nhớ nhất đối với trung tá Thịnh là lần máy bay đột ngột trục trặc hệ thống dẫn đường khi đang bay. Lúc đó anh nhận nhiệm vụ giáo viên chưa lâu, chưa có nhiều kinh nghiệm huấn luyện, trong khi phi công buồng trước còn trẻ. Hôm đó điều kiện khí tượng tương đối phức tạp nên anh yêu cầu phi công trung thành với phương án xử lý bất trắc, nghe lệnh dẫn dắt của kíp chỉ huy bay và đài trạm mặt đất.
Cùng với đó, cả hai tuân thủ đúng số liệu, trung thành với yếu lĩnh động tác được hiệp đồng ở mặt đất. Cuối cùng, máy bay đã hạ cánh an toàn. Sau lần xử lý bất trắc đó, trung tá Thịnh cảm thấy tự tin hơn trong vai trò huấn luyện, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm.
"Khi bay huấn luyện, phi công buồng trước có dao động là điều khó tránh. Điều cốt lõi là phi công giáo viên phải làm chủ được tình hình, bình tĩnh để xử lý tình huống. Nếu hai buồng cùng mất bình tĩnh thì có thể đưa máy bay từ trạng thái đơn giản trở nên phức tạp", anh nói.
Với những bài bay mới, bài bay độ khó cao, mức độ bảo hiểm của người giáo viên cũng tăng lên. Khi phi công bay ngoài giới hạn độ cao, ngoài giới hạn tốc độ, hoặc góc tấn sai, giáo viên phải can thiệp ngay để tránh đưa máy bay vào trạng thái nguy hiểm.
Anh Thịnh luôn tự ý thức rằng giáo viên trẻ có điểm mạnh là tiếp thu nhanh nhạy hơn, nhưng kinh nghiệm lại chưa có nhiều như các thế hệ giáo viên đi trước. Vì vậy, anh và đồng đội luôn lắng nghe, học hỏi giáo viên lớn tuổi kinh nghiệm kèm cặp phi công, cũng như phương pháp truyền đạt nội dung các bài bay.
Từ ngày 16 đến 20/7, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức Hội thao dẫn đường và diễn tập ném bom, bắn đạn thật tại Trường bắn Như Xuân (Thanh Hóa). Các bài thi nhằm đánh giá trình độ kíp, trạm radar dẫn đường; khả năng phát hiện và đánh chặn mục tiêu bằng mắt, bằng khí tài của phi công; khả năng tính toán và giữ số liệu bay đường dài của tổ bay trực thăng.
Đây là hình thức huấn luyện cao nhất nhằm nâng cao năng lực chỉ huy, hiệp đồng, điều hành bay cho cán bộ cấp trung đoàn toàn quân chủng. Đây cũng là dịp đánh giá chất lượng vũ khí trang bị và công tác đảm bảo kỹ thuật, khả năng tác chiến, thao tác chiến đấu của từng cán bộ, phi công nhất là trong điều kiện ban đêm và tình huống phức tạp. Từ đó, Quân chủng sẽ rút ra bài học kinh nghiệm, tổ chức huấn luyện lực lượng sát với thực tiễn và hướng phát triển của chiến tranh hiện đại.