Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia hôm nay công bố báo cáo điều tra cuối cùng về vụ tai nạn máy bay Lion Air khiến 189 người thiệt mạng ngày 29/10/2018, trong đó chỉ ra các nguyên nhân dẫn tới thảm họa.
Trong chuyến bay, cơ phó đã không thể nhanh chóng rà soát danh mục trong tài liệu hướng dẫn bay hoặc thực hiện những thao tác mà lẽ ra anh ta phải ghi nhớ, theo báo cáo. Ủy ban cũng cho rằng cơ phó đã thể hiện năng lực kém trong quá trình huấn luyện.

Một nhân viên điều tra đứng giữa các mảnh vỡ máy bay Lion Air gặp nạn. Ảnh: AP.
Trong khi đó, cơ trưởng cũng không tóm tắt đầy đủ tình hình cho cơ phó khi bàn giao quyền kiểm soát phi cơ cho anh này ngay trước khi máy bay bắt đầu lao xuống, báo cáo nói thêm.
Báo cáo lưu ý rằng theo nội dung trong thiết bị âm buồng lái, cơ phó đã nói với cơ trưởng rằng chuyến bay không nằm trong lịch trình ban đầu của anh ta và anh ta được gọi đi lúc 4 giờ sáng. Đáp lại, cơ trưởng cho biết anh ta cũng đang bị cúm.
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia còn chỉ trích thiết kế của hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển bay (MCAS) trên phi cơ 737 MAX, cho hay MCAS đã tự động đẩy mũi máy bay chúi xuống, khiến các phi công mất kiểm soát. Trong suốt chuyến bay, cần điều khiển bị MCAS kéo nặng đến mức phi công phải dùng đến lực mạnh 47 kg để chống lại hệ thống tự động.
"Thiết kế và chứng nhận của MCAS đã không tính tới khả năng mất quyền kiểm soát máy bay", báo cáo cho biết. Boeing đã nghiên cứu để thiết kế lại MCAS dù chưa được FAA chứng nhận.
Một cảm biến quan trọng cung cấp dữ liệu cho MCAS cũng bị cân chỉnh sai và có khả năng rất cao là nó không được nhân viên bảo trì Lion Air kiểm tra trong quá trình cài đặt, báo cáo cho biết, thêm rằng nhật ký bảo dưỡng của hãng hàng không trong tháng 10/2018 đã thiếu 31 trang.

CEO Boeing Dennis Muilenburg (dưới) ngồi trong buồng lái một chuyến bay thử của phi cơ 737 MAX hồi tháng 4. Ảnh: Boeing.
Boeing đang phải đối mặt với khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử, sau hai vụ tai nạn liên tiếp của hãng hàng không Ethiopia Airlines hồi tháng 3 và Lion Air ở Indonesia trước đó 5 tháng. Hai tai nạn đều liên quan đến hệ thống MCAS, khiến dòng 737 MAX bị cấm bay trên toàn thế giới suốt hơn 7 tháng qua. Boeing cho biết đã chịu thiệt hại ít nhất 8 tỷ USD do khủng hoảng.
Báo cáo của Indonesia cũng cho biết đánh giá an toàn của Boeing nói rằng các phi công sẽ phản ứng trong vòng ba giây sau khi xảy ra sự cố hệ thống nhưng trên cả hai chuyến bay gặp nạn, hai phi hành đoàn đều mất khoảng 8 giây để đưa ra phản ứng. Báo cáo kêu gọi các hệ thống nên được thiết kế phù hợp với các phi công thương mại, thay vì chỉ dành cho phi công thử nghiệm tay nghề cao.
Các nhà điều tra Indonesia còn chỉ ra rằng FAA đã ủy quyền để Boeing tự chứng nhận sự an toàn của máy bay, khuyến nghị tất cả các quy trình chứng nhận đều phải được giám sát chặt chẽ.
Ngọc Ánh (Theo CNBC)