Phát biểu của ông Hưng khiến tôi nhớ đến chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên năm năm trước. Sân bay Haneda gây ấn tượng với sự rộng lớn, nhộn nhịp, sạch bong, nhiều hành khách mặc vest, đồ lịch lãm. Khung cảnh này khác với trang phục đa dạng, đa sắc màu, thậm chí đa tầng lớp của hành khách ở sân bay Nội Bài.
Hình ảnh của sân bay Haneda thể hiện rất rõ vị trí của một cường quốc kinh tế. GDP bình quân đầu người trên 38.000 USD, người Nhật Bản xuất cảnh để đi du lịch, kinh doanh và tham gia vào thị trường lao động quốc tế ở phân khúc cao như quản lý dự án, chuyên gia, kỹ sư... GDP bình quân đầu người Việt Nam hiện chỉ đạt hơn 2.500 USD. Hình ảnh của sân bay Nội Bài, cũng gợi lên trong tôi suy nghĩ về một tỷ lệ đáng kể những người Việt Nam xuất cảnh mỗi ngày là những đồng bào phải vay mượn, phải chấp nhận xa gia đình hàng năm trời đi làm thuê ở đất khách.
Trang phục và gương mặt của họ, của những người thân đưa tiễn ở sân bay dù đã cố tươm tất cũng không thể giấu được sự lam lũ. Bữa sáng của họ ở những miền quê nghèo miền Trung thường chỉ đơn giản là gói xôi, bát mỳ tôm, thậm chí không có bữa sáng.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng nói ông đề xuất phí xuất cảnh từ 3 đến 5 USD "chỉ bằng một bữa ăn sáng". Tôi e rằng những bữa sáng có giá như vậy quá xa lạ với đa số người dân Việt Nam.
Thực ra, tôi không nghi ngờ thiện chí và nhiệt tình của ông Hưng khi đề xuất "phí chia tay" để góp phần tạo thêm nguồn lực cho công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài; cho việc quảng bá du lịch Việt Nam; cũng như cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện làm việc ở khu vực xuất, nhập cảnh.
Tuy nhiên, theo Luật Phí và lệ phí do Quốc hội ban hành, "phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được cung cấp dịch vụ công". Ở đây với việc công dân xuất cảnh một cách bình thường, đi qua cửa khẩu để ra khỏi lãnh thổ như lâu nay vẫn vậy thì họ hoàn toàn không được cung cấp thêm một dịch vụ công gì rõ ràng, nên không thể phát sinh thêm một loại phí. Hơn nữa, Quốc hội khi ban hành Luật Phí và lệ phí đã nêu rõ các loại phí trong danh mục kèm theo. Một trong những mục đích của danh mục này là ngăn ngừa tình trạng phát sinh quá nhiều loại phí, lệ phí ảnh hưởng đến sức dân. Và trong danh mục đó không hề có "phí chia tay".
Cũng cần thấy rằng việc đầu tư trang thiết bị và chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức làm việc ở khu vực xuất, nhập cảnh đã được ngân sách nhà nước đảm bảo từ tiền thuế của người dân. Do vậy, việc ông Hưng cho rằng khoản phí trên sẽ góp phần "cung cấp thêm trang thiết bị hiện đại, cải thiện hơn sự ân cần và tinh thần, thái độ của cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh" là không hợp lý. Nếu không muốn nói đó là "phí chồng thuế".
Tại kỳ họp Quốc hội giữa năm 2019 này, các vị đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất có cơ sở từ thực tiễn và cần thiết. Ví dụ với dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là đề xuất siết chặt quy định để phòng ngừa những trường hợp nghi phạm trốn ra nước ngoài như đã từng xảy ra với Vũ "Nhôm", Trịnh Xuân Thanh; với dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là bổ sung hành vi nghiêm cấm trong việc chuyển giá, việc phá huỷ hệ thống thông tin về người nộp thuế; với dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là quy định "không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 18 đến 21 giờ hàng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em", nhằm hạn chế trẻ em, thanh thiếu niên tiếp cận sớm với đồ uống có nồng độ cồn...
Bên cạnh những đóng góp tích cực, vẫn còn nhiều đề xuất bị đặt câu hỏi về tính khả thi và gây tranh cãi. Có thể kể đến như đề xuất "phí chia tay", đề xuất xây dựng Luật phê bình và tự phê bình, đề xuất nghỉ lễ vào "ngày đàn ông".
Theo quy trình làm việc ở nghị trường, đại biểu có quyền đề xuất ý kiến cá nhân, song để một ý kiến trở thành điều luật thì phải qua sự xem xét của nhiều cơ quan, được sự đồng thuận của đa số thành viên của Quốc hội. Những đề xuất không hợp lý thường chỉ được ghi vào biên bản, nằm lại trong kho lưu trữ mà không có bất cứ giá trị tham khảo nào. Rõ ràng không ai muốn có những việc lãng phí thời gian như vậy.
Võ Văn Thành