Trái ngược với những dự báo đưa ra hồi đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã kết thúc năm 2018 trong sắc đỏ, VN-Index giảm gần 10% so với cuối năm 2017. Chỉ số đại diện cho Sở HoSE đã phá kỷ lục mốc cao nhất trong lịch sử nhưng cũng đánh dấu một năm biến động mạnh nhất kể từ giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008.
Do diễn biến khó lường của thị trường trong năm vừa qua, hầu hết đánh giá cho thị trường chứng khoán năm 2019 đều nghiêng về những kịch bản thận trọng thay vì những mốc số của VN-Index.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SSI cho rằng với mức giảm trên 20% từ đỉnh, thị trường chứng khoán Việt Nam đã rơi vào thị trường giá xuống (bear market). "Có thể tốc độ hồi phục với giai đoạn hiện nay sẽ nhanh hơn, thời gian phục hồi có thể là 11 tháng hoặc 8 tháng, nhưng dữ liệu lịch sử thì nói rằng thời gian để thị trường phục hồi từ đáy lên đỉnh cũ trong một thị trường giá xuống cần 21 tháng", ông Hưng nói.
Đây là luận điểm đầu tiên trong ba khó khăn khi nhận định về thị trường chứng khoán trong năm tới của Chủ tịch SSI. Hai khó khăn còn lại, theo ông Hưng, là mối lo từ sự leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và rủi ro địa chính trị gia tăng trên thế giới.
"Đến giờ phút này không ai có thể nói trước được cuộc chiến này sẽ diễn biến như thế nào và ảnh hưởng lan rộng đến đâu. Cùng với giá dầu sụt giảm báo hiệu sự khó khăn của kinh tế thế giới, rủi ro địa chính trị gia tăng đưa đến một bức tranh nhiều bất ổn trong năm 2019", Chủ tịch SSI nói.
Cũng nhận định sẽ có ba thách thức cho thị trường trong năm tới, nhưng nguyên Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Vũ Bằng thì cho rằng ba yếu tố có thể ảnh hưởng tới thị trường là sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc và toàn cầu; sự leo thang của chiến tranh thương mại và rủi ro từ khối nợ toàn cầu tiếp tục phình to.
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức Việt Nam vẫn còn những cơ hội có thể tận dụng từ những biến động. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, theo Chủ tịch SSI, sẽ là cơ hội cho Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu. Điều này không có nghĩa là việc tăng thị phần xuất khẩu sẽ xảy ra ngay nhưng đây sẽ là cơ hội để xây dựng chiến lược trung và dài hạn, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Vũ Bằng thì nhấn mạnh đến lợi thế từ yếu tố vĩ mô khi đánh giá tốc độ tăng trưởng cao liên tục những năm gần đây là yếu tố giúp Việt Nam hấp dẫn so với những thị trường khác trong khu vực.
Có phần lạc quan hơn, ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VietFund Management) cho rằng thị trường năm 2019 vẫn còn nhiều yếu tố thuận lợi khi thực tế, VN-Index là một trong những chỉ số có mức sụt giảm trong năm 2018 thuộc nhóm thấp trên thế giới.
"Tại sao lại giảm ít hơn? Thực tế này của thị trường Việt Nam phải nhìn nhận từ yếu tố vĩ mô, tăng trưởng và dòng vốn FII vẫn tiếp tục đổ vào thị trường. Dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục là một điểm nhấn trong năm tới", ông Minh nói và dự báo VN-Index đến cuối năm 2019 sẽ không thấp hơn mức hiện tại của thị trường.
Dưới góc nhìn của các thành viên thị trường, các công ty chứng khoán cũng có phần thận trọng hơn. Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thị trường sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2019.
"Với nhiều yếu tố khó đoán định gây ra bởi căng thẳng địa chính trị và thương mại, hầu hết tổ chức phân tích đều đồng thuận rằng nền kinh tế toàn cầu đang bước vào cuối chu kỳ tăng trưởng và năm 2019 có thể là một năm tương đối khó khăn đối với thị trường chứng khoán", nhóm phân tích của VDSC đánh giá và cho rằng trong bối cảnh đó, rất khó để Việt Nam đi ngược xu hướng.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng dự báo các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ dao động trong biên độ cao.
Trong đó VN-Index có khả năng dao động trong khoảng 300-350 điểm trên cơ sở các giả định: Động thái tăng lãi suất của FED nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2019; Mỹ và Trung Quốc sẽ khó có thể đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện ngay trong năm tới và kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cùng với việc kiểm soát tốt lạm phát và tỷ giá dù chịu nhiều áp lực hơn.
Tuy nhiên, trong những kịch bản thận trọng, nhóm phân tích cũng chỉ ra những yếu tố để nhà đầu tư "không quá bi quan" vào thị trường.
Việc thăng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi, theo VDSC, có thể là điểm tích cực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ở một vài thời điểm trong năm. Điều này sẽ khiến giá và thanh khoản thị trường biến động nhiều hơn. Bên cạnh đó, một điểm tích cực khác là định giá thị trường đã giảm về mức hợp lý hơn sau các đợt điều chỉnh mạnh trong năm 2018. Theo ước tính của công ty chứng khoán này, VN-Index đang được giao dịch ở mức 16 lần, giảm khoảng 25% so với mức đỉnh thiết lập vào tháng 3/2018.
Minh Sơn