Hơn 20 năm trước, vợ chồng chị Fenixiang Qian ôm con gái 3 tuổi trốn trong một con thuyền neo đậu trên con kênh vắng, cách quê nhà Hàng Châu 120 km, để chờ ngày lâm bồn. 6 tuần sau, chị hạ sinh con gái trên thuyền với sự giúp đỡ của chồng.
Ngày ấy, sự khắt khe của chính sách một con đã gây ra 300 triệu ca phá thai. Nếu sinh ra phải chịu số tiền phạt khổng lồ. Rất nhiều trẻ bị giết chết vì gia đình không có tiền đóng phạt. Vợ chồng chị Qian là những công nhân thời vụ, ở nhà thuê. Từ lúc biết lỡ mang bầu 5 tháng, anh chị đã quyết định phải bỏ con.
Con gái được 5 ngày tuổi, anh Xu đặt bé ở một chợ rau kèm theo lá thư: "Con gái chúng tôi, Jingzhi, sinh lúc 10 giờ sáng ngày mồng 8/7/1995. Chúng tôi buộc phải bỏ cháu ở đây vì nghèo khổ và quy định bắt buộc. Cầu xin lòng trắc ẩn của những người cha, người mẹ. Cảm ơn vì đã cứu và chăm sóc con gái của tôi. Nếu trời rủ lòng thương, hãy cho chúng tôi gặp lại trong buổi sáng ngày Thất tịch ở cầu Đoạn, Hàng Châu 10 hoặc 20 năm nữa".
Bé Jingzhi sau đó được cặp vợ chồng người Mỹ là Ken và Ruth Pohler nhận nuôi. Cha mẹ nuôi gọi em bằng cái tên yêu Kati. Cô bé có tuổi thơ êm đềm trong một gia đình trung lưu, với hai anh trai.
Trong khi đó ở quê nhà Trung Quốc, bố mẹ em phải vật lộn với cuộc mưu sinh nhưng chưa một ngày nguôi nỗi nhung nhớ con gái. Lễ Thất tịch năm 2005, hai vợ chồng đến cầu Đoạn từ sáng sớm như lời hẹn. Họ cầm một tấm bảng lớn với tên của con gái và nội dung bức thư ngày xưa. Không tung tích con gái, đến cuối ngày phải họ nặng trĩu nỗi buồn trở về. May thay, một đài truyền hình địa phương biết được câu chuyện vợ chồng anh Xu tìm con đã tìm hiểu thêm và phát sóng khắp cả nước.
Thực chất ngày hôm đó, cha mẹ nuôi của Kati cũng nhờ một người bạn đến cầu này tìm thử cha mẹ ruột bé. Người này đến muộn không gặp được, nhưng đã xem bản tin của đài truyền hình nên biết được địa chỉ bố mẹ đẻ của Kati.
Dù vậy, bố mẹ nuôi muốn con gái ít nhất phải được 18 tuổi mới cho biết sự thật, nên họ chỉ gửi tới bố mẹ đẻ một bức ảnh của bé, kèm lá thư ngắn gọn nói bé đang sống trong gia đình ngập tràn yêu thương. "Chúng tôi không muốn Kati liên quan đến một sự việc quá mơ hồ như thế này", ông Ken nói trên tờ Scmp.
Sau này nhà làm phim tài liệu Changfu đã tìm gặp vợ chồng ông Xu. Từ đó lần theo nhiều manh mối, cuối cùng vị đạo diễn này đã tìm ra địa chỉ đang sinh sống của Kati ở Mỹ. Năm ngoái, khi Kati 21 tuổi, bố mẹ nuôi đã nói với em về bố mẹ đẻ. Cô gái trẻ muốn gặp lại bố mẹ, nhưng cô cũng sợ. Khi được đạo diễn Changfu thuyết phục, cô đã quyết định tham gia vào bộ phim tài liệu của ông.
Rất nhanh chóng, đạo diễn Changfu đã sắp xếp cuộc đoàn tụ. Sau hơn 2 thập kỷ, cuối cùng đôi vợ chồng phải bỏ con vì chính sách một con đã gặp lại con họ. Giây phút đoàn tụ trên Cầu Đoạn, đôi vợ chồng - nay là những nhà kinh doanh đồ điện tử cũ - đã oà khóc nức nở sau bao nhiêu năm ròng tìm con.
"Thật xúc động khi gặp gia đình. Tôi đã rất ngạc nhiên trước cảm xúc của mẹ Trung Quốc của mình", Kati nói. Cô cũng cảm thấy khá lúng túng bởi sự quan tâm đặc biệt từ cha mẹ ruột. "Điều đầu tiên họ nói là con gầy quá, phải ăn nhiều hơn. Tôi đoán họ rất buồn vì đã không được chăm sóc tôi những năm qua".
Bà Quin cũng hơi buồn vì con gái không gọi ông bà là cha mẹ mà chỉ gọi tên như người Mỹ. Vì bất đồng ngôn ngữ nên họ cũng không nói chuyện nhiều được với nhau. Nhưng như thế cũng là quá đủ, vì con gái bà đã được một gia đình yêu thương và được phát triển toàn diện.
Bảo Nhiên