Theo sắc lệnh được Samvel Shahramanyan, lãnh đạo Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng, ký ngày 28/9, toàn bộ cơ quan thuộc chính quyền ly khai và các tổ chức trực thuộc sẽ bị giải tán trước ngày 1/1/2024.
Sắc lệnh này chấm dứt sự tồn tại của Cộng hòa Nagorno-Karabakh, chính quyền được phe ly khai thành lập ở vùng lãnh thổ này từ năm 1991. "Quyết định được đưa ra dựa trên ưu tiên đảm bảo an ninh vật chất và lợi ích sống còn của người dân", ông Shahramanyan cho hay.
Sắc lệnh cũng yêu cầu quân đội Armenia ở Nagorno-Karabakh hạ vũ khí và chính quyền ly khai tự giải giáp. Đổi lại, Azerbaijan sẽ cho phép người dân Nagorno-Karbakh "đi lại tự do, tự nguyện và không bị cản trở".
Lãnh đạo Shahramanyan cũng khuyến cáo người dân Nagorno-Karabakh "làm quen với điều kiện tái hòa nhập" do Azerbaijan đưa ra cũng như quyết định có nên ở lại vùng lãnh thổ hay không.
Động thái này sẽ chấm dứt ba thập niên tự trị của Nagorno-Karabakh, vùng đất có đa số người Armenia sinh sống bên trong biên giới được quốc tế công nhận của Azerbaijan. Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng không được Liên Hợp Quốc cũng như Armenia, bên hậu thuẫn họ, công nhận.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cáo buộc Azerbaijan thực hiện chiến dịch "thanh lọc sắc tộc" ở Nagorno-Karabakh và cho biết tất cả người Armenia sẽ rời khỏi khu vực ly khai trong "những ngày tới". Theo phát ngôn viên của ông Pashinyan, hơn 65.036 người trong tổng số 120.000 dân Armenia từ Nagorno-Karabakh đã vượt biên sang Armenia.
Nagorno-Karabak đã trở thành điểm nóng xung đột suốt ba thập niên qua giữa Armenia và Azerbaijan. Nagorno-Karabakh tách khỏi Azerbaijan kể từ khi lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát vùng này sau cuộc chiến đầu thập niên 1990. Hai bên nhiều lần đụng độ sau đó, đỉnh điểm là cuộc chiến năm 2020, giúp Azerbaijan giành lại một phần lãnh thổ từ phe ly khai.
Azerbaijan ngày 19/9 mở "chiến dịch chống khủng bố" ở Nagorno-Karabakh, nhanh chóng buộc phe ly khai đầu hàng và đồng ý đàm phán sáp nhập vùng này vào lãnh thổ.
Azerbaijan nhấn mạnh sẽ đảm bảo quyền lợi cho người dân ở Nagorno-Karabakh sau khi tái hòa nhập và bác cáo buộc "thanh lọc sắc tộc". Tổng thống Azerbaijan nói rằng người gốc Armenia sẽ được bỏ phiếu và tự do thực hành tôn giáo.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters, National News, WP)