Thủ lĩnh phe đối lập Suthep Thaugsuban cho hay, cuộc gặp trên diễn ra tại một địa điểm bí mật dưới sự bảo trợ của các chỉ huy lục quân, hải quân và không quân.
"Không có sự thương lượng hay thỏa hiệp nào", ông Suthep nói. "Tôi đã tuyên bố với Yingluck đây là lần duy nhất và cũng là cuối cùng tôi gặp bà ấy cho đến khi quyền lực được trao về tay nhân dân.
"Sẽ không có mặc cả, việc này phải được hoàn tất trong hai ngày", lãnh đạo phe đối lập nói thêm nhưng không tiết lộ sẽ hành động thế nào nếu tối hậu thư không được thực thi.
Trong ngày thứ 8 của làn sóng biểu tình nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck, khoảng 1.000 người đã ồ ạt bao vây và tìm cách xông vào để chiếm giữ tòa nhà chính phủ ở Bangkok. Những người biểu tình tuyên bố 1/12 là ngày mang tính chất quyết định cho những gì mà họ gọi là "một cuộc đảo chính của nhân dân".
Cảnh sát Thái Lan phải bắn hơi cay và vòi rồng để ngăn đám đông vượt qua hàng rào và cắt bỏ dây thép gai bảo vệ tòa nhà. Vụ đụng độ làm 4 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương.
Trước đó, khoảng 30.000 người biểu tình đã tập trung tại khoảng 8 địa điểm quan trọng của Bangkok, trong đó có các đài truyền hình và các trụ sở cảnh sát. Người biểu tình xông vào bên trong các đài và giúp ông Suthep gửi thông điệp trên hầu hết các kênh của Thái Lan. Ông kêu gọi một cuộc tổng tấn công ngày hôm nay.
Thủ tướng Yingluck cũng dự kiến sẽ phát biểu trước giới truyền thông vào ngày hôm qua tại một trụ sở cảnh sát, nhưng sau đó buộc phải rời đi khi người biểu tình định xông vào bên trong.
Phát ngôn viên cảnh sát Piya Utayo cho hay, lực lượng an ninh sẽ được triển khai để giành lại các địa điểm bị người biểu tình chiếm giữ trong tuần qua. Tuy nhiên, tình hình bạo lực cuối tuần cho thấy sự leo thang nghiêm trọng của cuộc biểu tình.
Phó thủ tướng Thái Lan Pracha Promnok hôm qua phải tuyên bố áp đặt lệnh giới nghiêm từ 22h ngày 1/12 đến 5h ngày 2/12 trên toàn thủ đô Bangkok và các khu vực phụ cận. Ông yêu cầu người dân ở trong nhà vào khoảng thời gian trên "để không trở thành nạn nhân của những kẻ khiêu khích".
Thái Lan đang chứng kiến làn sóng biểu tình lớn nhất kể từ năm 2010. Cuộc biểu tình bắt đầu sau khi một đạo luật được cho là tạo điều kiện cho cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra quay về, được Hạ viện thông qua hôm 2/11. Ông Thaksin, bị phế truất trong cuộc đảo chính của quân đội năm 2006, hiện sống lưu vong để tránh án tù hai năm vì tội tham nhũng.
Hàng trăm nghìn người dân Thái Lan bắt đầu biểu tình phản đối chính phủ từ ngày 24/11. Mục tiêu của họ là lật đổ chính phủ trước dịp sinh nhật Quốc vương Bhumibol Adulyadej ngày 5/12.
Họ cáo buộc chính phủ của bà Yingluck bị anh trai Thaksin điều khiển, và muốn thay thế ban lãnh đạo bằng một "Hội đồng Nhân dân".
Tuy nhiên, cuối tuần trước, bà Yingluck đã loại trừ khả năng tổ chức bầu cử sớm, cho rằng tình hình đất nước hiện không đủ ổn định. Bà lặp lại lời kêu gọi thương thuyết để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Anh Ngọc