Truyền thông nhà nước Niger ngày 28/7 đưa tin tướng Abdourahamane Tchiani, chỉ huy lực lượng cận vệ tổng thống Niger, "được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ Tổ quốc". Hội đồng chuyển tiếp quyền lực này được thành lập sau vụ đảo chính hai ngày trước.
Xuất hiện trên truyền hình cùng ngày, tướng Tchiani nhắc lại quân đội Niger đảo chính là vì "tình hình an ninh ngày càng tồi tệ". Tướng Tchiani cũng chỉ trích chính phủ trước đây "bất hợp tác" với giới chức hai nước láng giềng là Burkina Faso và Mali trong nỗ lực đối phó với các nhóm nổi dậy tại khu vực.
Lực lượng cận vệ ngày 26/7 bắt cựu tổng thống Mohamed Bazoum và quản thúc ông tại dinh thự. Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Niger Abdou Sidikou Issa ngày 27/7 thông báo quân đội nước này ủng hộ quyết định của đội cận vệ tổng thống "để tránh nổ ra đối đầu giữa các lực lượng có thể gây thương vong".
Trong nhiều năm, Niger đối mặt vấn đề mất an ninh trong bối cảnh các nhóm cực đoan giành chỗ đứng tại Mali từ năm 2012, gây ra xung đột khiến hàng nghìn người thiệt mạng và 6 triệu người phải sơ tán trong khu vực.
Niger được đánh giá là một trong những đồng minh quan trọng của phương Tây trong hoạt động chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Tây Phi. Binh sĩ của một số quốc gia, trong đó có Mỹ và Pháp, đang đóng quân tại Niger.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 28/7 chỉ trích vụ đảo chính tại Niger. "Vụ đảo chính hoàn toàn bất hợp pháp và cực kỳ nguy hiểm với Niger lẫn người dân nước này, cũng như toàn khu vực", ông Macron nhận định.
Ông Macron cho biết đã nói chuyện với ông Bazoum và kêu gọi phục chức cho cựu tổng thống Niger. Tổng thống Macron cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ các nhóm trong khu vực như Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) trong hòa giải hoặc trừng phạt nhóm đảo chính.
Cộng hòa Niger là quốc gia không giáp biển với diện tích gần 1,3 triệu km2, trong đó khoảng 80% nằm trong sa mạc Sahara. Niger có dân số khoảng 25,4 triệu người, hầu hết theo đạo Hồi, sống tập trung ở miền nam và miền tây đất nước.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, Reuters)