Feroza Jussawalla -
Truyền thống lý luận phê bình văn học phương Tây, về cơ bản, bắt nguồn từ Hy Lạp. Có chung một ý thức làm nền tảng để Platon, Aristotle và Longinus đưa ra các luận điểm và các tranh luận mà ý nghĩa của chúng vẫn còn nóng hổi đến ngày nay. Hiện tại khi chúng ta đang nghi ngờ sự hoàn thiện của các phương pháp phê bình phương Tây thì cũng cần tự nhắc nhở rằng, các truyền thống phê bình kinh điển cổ xưa vẫn tồn tại. Có một dòng phê bình lý luận văn học bất tử trong nền văn hóa Ấn Độ, ra đời ít nhất là cùng giai đoạn với truyền thống phê bình phương Tây. Phê bình Ấn Độ là một tài nguyên quý, chưa được khai thác, nhưng xét ở các khía cạnh chủ chốt thì, truyền thống lý luận phê bình Ấn Độ có vai trò quan trọng với văn học hơn là truyền thống lý luận phê bình Hy Lạp.
Nền lý luận hoàn chỉnh của Ấn Độ có thể được truy nguyên vào khoảng thế kỷ 4 trước công nguyên, cùng thời điểm với lý thuyết của Aristotle và Platon. Nhưng vào khoảng năm 1500 TCN đến năm 500 TCN, ở Ấn Độ, đã tồn tại rất nhiều cuộc thảo luận về sáng tác thơ văn trong các kinh Veda. Ở Ấn Độ, phê bình lý luận văn học không bao giờ bị khu biệt thành lĩnh vực triết lý đơn thuần; mà sáng tác và thưởng thức văn học bao giờ cũng hòa quyện sâu sắc vào đời sống tôn giáo và đời sống thường ngày. Nếu như trong The Republic (Nền cộng hòa), Plato khẳng định vai trò xã hội của thơ ca là không sinh lợi, thì Ayurveda, y học Ấn Độ, tin rằng các câu thơ đôi, có cấu trúc nhịp hoàn chỉnh có thể thanh lọc khí quyển và hàn gắn nỗi đau. Bây giờ, ta gọi các cặp câu có vần điệu là mantra, là "thơ". Thơ Sanskrit được định hình trong sloka với sự quy định nghiêm ngặt về số lượng âm tiết, tương đương với những câu thơ anh hùng ca và có thể đối thoại với người nghe. Những người Arian thời Vêđa, do đó, tôn thờ thần Vach, nữ thần lời nói hay lời nói thiêng (De Bary et al, tr.5-6).
Giống như Hy Lạp, các nhà phê bình Ấn Độ phát triển một hệ thống cố định các quy tắc ngữ pháp và cấu trúc để định dạng tác phẩm văn học, nhưng cũng lại rất nhấn mạnh đến ý nghĩa và bản chất của lời nói. Điều này trở thành nguyên lý rasadhvani (trải nghiệm rasa, N.D.) trong phê bình văn học. Ngược lại với yêu cầu trục xuất các nhà thơ và thơ ca ra khỏi xã hội của Platon, thơ ca ở Ấn Độ được vận dụng để dẫn dắt cá nhân sống theo mục đích tôn giáo và giáo huấn, đồng thời sáng tạo ra không chỉ sự "thanh lọc cảm xúc" và tự do cho một cá nhân theo kiểu Aristotle, mà rộng hơn, vì tự do chính trị cho tất cả xã hội. Xã hội từ đó thoát khỏi ama xấu xa, "ý chí bệnh tật" (ill will) và "những xúc cảm sinh ra dục vọng tội lỗi (bad karma)", làm cho các cá nhân sống hài hòa với nhau. Bài viết này phác thảo các phương pháp giải thoát của văn học, hoặc là qua nội dung hoặc là qua hình thức, trong truyền thống lý luận phê bình Ấn Độ.
Ba văn bản phê bình quan trọng định hình làm cơ sở cho lý luận phê bình văn học thời Sanskrit là Bàn về kịch (Natyasatra) của Bharata (thế kỷ II SCN), Lý luận về sự ám gợi (Dhvanyaloka) của Anandavardhana - nền tảng của quan điểm phê bình dựa trên dhvani (ám gợi, N.D.) và Satakas - nền tảng của quan điểm phê bình dựa trên rasa (cảm thức) ra đời khoảng năm 200 TCN - 800 SCN. Tôi sẽ bàn về những tác phẩm theo trật tự của ba thể loại: thơ, kịch và phê bình văn học.
Thật thú vị, ba tác phẩm này đều đặt ra những câu hỏi đang là mối quan tâm của thời đại ngày nay như, "quyền lực" thuộc vào nhà thơ hay nhà phê bình, về văn bản hay diễn giải. Qua các luận điểm cơ bản trong Dhvanyaloka, Anandavardhana kết luận rằng, trong thế giới vô tận của văn học, nhà thơ là người sáng tạo, và thế giới tự thay đổi cho phù hợp với tiêu chuẩn của nghệ sĩ (sarma 6). Theo Anandavardhana, kavirao ("nhà thơ") ngang bằng với Prajapati ("Đấng sáng tạo"). Nhà thơ sáng tạo ra thế giới mà người đọc nhìn thấy hoặc là trải nghiệm qua. Theo đó, Anandavardhana bàn về vấn đề vai trò của nhà thơ, hoặc là trách nhiệm của anh ta với xã hội hay là các vấn đề xã hội là khách thể phù hợp cho văn học. Theo Anandavardhana, "cuộc sống mô phỏng nghệ thuật"; do đó, vai trò của nhà thơ không chỉ là "nhà thiết lập thế giới không được thừa nhận" như Percy Bysshe Shelley nói (Shelley's Critical Prose, ed. Bruce R. McElderry, Jr., 1967, 36), không chỉ là người phát ngôn cho thế giới, mà là người định hình các giá trị và đạo đức xã hội.
Ý kiến về sahrdaya ("nhà phê bình hoàn hảo"), "người đồng cảm với trái tim nhà thơ", là một khái niệm mà các nhà phê bình phương Tây từ I. A. Richards qua F.R. Leavis đến Stanley Fish đều tranh luận. Trong truyền thống Ấn Độ, nhà phê bình là người diễn giải thấu hiểu các tác phẩm của nhà thơ. Nhưng tại sao lại diễn giải? Tại sao khi đọc tác phẩm của một tác giả lại cần diễn giải? Người đọc đọc như thế nào và vai trò của phê bình ở đây là gì? Các triết gia và thầy tế Ấn Độ cho rằng, lời giải đáp cho những câu hỏi này là ở sự giải thoát. Bởi vì chúng ta sẽ thấy, rasadhvani gần giống với quan điểm Ấn Độ về cuộc sống, về sự thoát khỏi những cảm xúc gây ra karma, thanh lọc những cảm xúc có hại, và con đường tiếp theo là tiến tới moksha, "sự giải thoát". Các nhà phê bình của thế kỷ XX như K. R.Srinivasa Iyengar và Kuppuswami Sastriar đã làm sống lại thuật ngữ rasadhvani trong phê bình. Tương tự, các tác giả Bengali như Rabindranath Tagore phần lớn cũng bị ảnh hưởng bởi mục đích mà thuật ngữ rasadhvani ủng hộ. Để hiểu các lý thuyết phê bình này phát triển như thế nào, chúng ta cần xem qua sự phát triển của văn học Ấn Độ.
![]() |
Ramayana - bộ sử thi vĩ đại của Ấn Độ. |
Rig Veda được coi là tác phẩm thơ hiện còn ra đời sớm nhất trong gia đình ngôn ngữ Indo - European và được ấn định vào khoảng giữa năm 2500 trước công nguyên đến 600 trước công nguyên. Tuy nhiên, chính nó đã nhắc tới kavya, "hình thức khổ thơ" ("stanzaic forms") hay chất thơ vốn đã tồn tại trước đó. Từ ngữ gatha, liên quan đến những câu xướng mang tính tôn giáo được các tín đồ của đạo thờ lửa (Zoroastrian), cũng xuất hiện thường xuyên trong Rig Veda. Valmiki, tác giả của Ramayana, được coi là nhà thơ đầu tiên, nhưng như chúng ta thấy, Valmiki cũng được coi là người giải thích hình thức thơ ca đầu tiên. Giai đoạn giữa năm 600-500 TCN và năm 200 SCN được Sarvepelli Radhakrishnan (thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Ấn Độ thời hậu thực dân và là học giả có nhiều đóng góp cho nền triết học và lý luận phê bình Ấn độ) coi là thời đại sử thi bởi vì có sự phát triển của các bộ sử thi vĩ đại, Ramayana và Mahabharata (Radhakrishnan và Moore xviii). Theo Radhakrishnan, Bhagavad Gita, một phần của Mahabharata, được coi là văn bản chính thức (authoritative) nhất trong các tài liệu triết học Ấn Độ bởi nó là những khám phá thiêng liêng và được viết ra, chứ không đơn thuần chỉ là truyền miệng. Trong Gita, Krishna và Arjuna tranh luận về vai trò của thơ ca. Trách nhiệm duy trì trật tự thế giới đặt lên vai các nhà thơ - nhà hiền triết, như Janaka, bởi vì những cái chết thông thường có xu hướng mô phỏng theo mẫu mà Janaka đã miêu tả. Do đó, các nhà thơ là những người vạch ra các chuẩn mực cho thế giới. Giai đoạn triết học Ấn Độ kéo dài hơn một thiên niên kỷ kể từ những thế kỷ trước Thiên chúa (early Christian centuries) cho đến thế kỷ 17 SCN được coi là thời kỳ sutra, hay thời kỳ những luận thuyết dựa trên các văn bản văn học và tôn giáo. Đó là thời kỳ chứng kiến sự xuất hiện của rất nhiều thuật ngữ phê bình và diễn giải văn học. Radhakrishnan gọi thời kỳ này là thời kỳ kinh viện của triết học Ấn Độ, và trong giai đoạn này diễn giải trở nên quan trọng. Vêđa viết bằng ngôn ngữ Sanskrit, trong khi đó các văn bản Veda là nền tảng của toàn bộ truyền thống Hindu của Ấn Độ nên tất cả tôn giáo, triết học, văn học và phê bình của Ấn Độ đều viết bằng tiếng Sanskrit. Sanskrit là ngôn ngữ chung, vượt qua các rào cản tôn giáo nhưng phần lớn chủ yếu là dành cho những tầng lớp trên, có học và tầng lớp Brahmin - tầng lớp thầy tu. Các thầy tu diễn giải các văn bản phê bình, văn học, tôn giáo cho địa phương qua ngôn ngữ bản địa. Trong khi Sanskrit vẫn là ngôn ngữ tôn giáo ở phương Nam, thì các bản dịch tài liệu tôn giáo ở các địa phương bắt đầu nổi lên đáp ứng các nhu cầu của dân tộc Nam Ấn, vốn phần lớn nói tiếng Tamil và Telugu. Không phải đến khi có sự tan rã của truyền thống Bà la môn vào khoảng thế kỷ 7 sau công nguyên (Embree 228-29) thì những lời xưng tụng tôn giáo mang tính văn học mới xuất hiện ở Tamil. Bản thuật lại sử thi Ramayana của tác giả viết bằng tiếng Anh -Ấn, R.K.Narayan, dựa trên bản tiếng Tamil của nhà thơ Kamban thế kỷ 11. Tuy nhiên, phê bình văn học Tamil vẫn cắm rễ trong các nguyên lý phê bình tiếng Sanskrit cổ điển, và vẫn tiếp tục được khẳng định (thậm chí đến tận thế kỉ XX) trong công trình phê bình Dhvanyaloka của Kuppuswami Sastri ở Madras.
Xu hướng phê bình ở Ấn Độ thời kỳ đầu là "những diễn giải mang tính nghi lễ" các kinh Vêđa - các văn bản tôn giáo. Sự diễn giải mang tính nghi lễ như vậy có trong việc phân tích các phạm trù ngữ pháp và triết học, như việc sử dụng phép so sánh dựa vào tác phẩm Nirutka của Yasaka, hay là việc áp dụng các phạm trù ngữ pháp của Panini vào văn bản [ 1]. Phương pháp phê bình này, có trong sự phân tích ngữ pháp, phong cách, tính cân đối của khổ thơ, được gọi là một môn học (sastra) hay là "khoa học". Công trình Sabdanusasana của Panini [khoa học sabda hay khoa học ngôn từ] và công trình Astadhyayi [Tám chương về các quy tắc ngữ pháp] (Winternitz 422) có lẽ là những cuốn sách ngữ pháp cổ nhất hiện còn, được nhiều nhà học giả xác định là có vào khoảng thời kỳ đầu của kỷ Thiên chúa. Alankara sastra là "khoa học phê bình" có nguồn gốc từ ngữ pháp của Panini, võ đoán và mang tính quy tắc - quy phạm về các hình thái lời nói trong thơ ca. Từ alankara có nghĩa là "đồ trang sức" (Dimock 120) và như trong lý luận tu từ học phương Tây, khoa học phê bình này bao gồm các quy tắc của lời nói văn hoa, ví dụ, rupaka (phép so sánh), utpreksa (phép ẩn dụ), atisya (phép ngoa dụ), kavya (các hình thức khổ thơ). Điều này Edwin Gerow giải thích trong chương "Chất thơ trong thơ tứ tuyệt" (Poetics of Stanzaic Poetry,") của cuốn Văn học Ấn Độ:
Xu hướng phê bình trang sức (Alankara criticism) đề cập đến hầu hết các vấn đề, trừ vấn đề nguồn gốc, ngữ cảnh, giá trị nhận thức và tác giả của bài thơ. Nó không quan tâm đến sự phán quyết của các tác phẩm văn học cá thể hay vào một giả định nào về lai lịch của chúng (Dimock 126).
Còn tiếp
Tài liệu tham khảo
Aristotle, Thi học (Poetics, S. H. Butcher dịch, 1894, in lần thứ 4 năm 1911, in lại, 1961); Sures Chandra Banerji, Làm quen với văn học Sanskrit (A Companion to Sanskrit Literature, 1971); Bhartrhari, Satakas (The Satakas, J. M. Kennedy dịch và xuất bản); S. N. Dasgupta, Lí luận về Rasa ("The Theory of Rasa", Raghavan và Nagendra); S. K. De, Thi pháp Sanskrit (Sanskrit Poetics, 1960); William Theodore de Bary et al., eds., Các nguồn gốc của truyền thống Ấn Độ (Sources of Indian Tradition, tập 1, 1958, Ainslie T. Embree bình luận, 1988); Edward C. Dimock, ed., Văn học Ấn Độ: Bước đầu làm quen (The Literatures of India: An Introduction, 1974); R. C. Dwivedi, Các nguyên lí phê bình văn học Sanskrit (Principles of Literary Criticism in Sanskrit, 1969); Ainslie T. Embree, Truyền thống Hindu (The Hindu Tradition, 1966); K. R. Srinivasa Iyengar, Văn học Ấn Độ viết bằng tiếng Anh (Indian Writing in English, 1962, xuất bản lần 2., 1973); Feroza Jussawalla, Những tranh luận kéo dài về phê bình văn học Ấn Độ viết bằng tiếng Anh (Family Quarrels: Towards a Criticism of Indian Writing in English, 1985); P. V. Kane, Lịch sử thi pháp Sanskrit (History of Sanskrit Poetics, 1971); Hari Ram Mishra, Lí luận về Rasa trong kịch Sanskrit (The Theory of Rasa in Sanskrit Drama, 1964); R. K. Narayan, Ramayana: Bản dịch văn xuôi rút gọn của sử thi Ấn Độ (The Ramayana: A Shortened Modern Prose Version of the Indian Epic, 1972); S. Radhakrishnan and Charles Moore, eds., Cuốn sách đầu tiên trong triết học Ấn Độ (A Source Book in Indian Philosophy, 1957); V. Raghavan và Nagendra, Giới thiệu về thi học Ấn Độ (An Introduction to Indian Poetics, 1970); A. Sankaran, Vài phương diện của phê bình văn học Sanskrit hay Lí luận về Rasa và Dhvani (Some Aspects of Literary Criticism in Sanskrit or the Theories of Rasa and Dhvani, 1926); D. S. Sarma, Phê bình văn học bằng tiếng Sanskrit và tiếng Anh (Literary Criticism in Sanskrit and English, 1950); Mukunda Madhava Sharma, Lí luậ Dhvani trong thi học Sanskrit (The Dhvani Theory in Sanskrit Poetics, 1968); Lee Siegel, Tiếng cười: Truyền thống ở Ấn Độ (Laughing Matters: Comic Tradition in India, 1987); Moriz Winternitz, Lịch sử văn học Ấn Độ (History of Indian Literature, trans. Subhadratha Jha, 3 vols., 1967)
Phạm Phương Chi dịch
(Nguồn: press.jhu)