Hà Linh
Đây là hoạt động văn học thường kỳ do Hội đồng Anh tổ chức với sự tham gia của các nhà phê bình: Nguyễn Chí Hoan (biên tập viên báo Văn Nghệ), Nguyễn Hoà (Trưởng phòng lý luận phê bình văn học báo Nhân Dân), Phạm Xuân Thạch (Giảng viên khoa ngữ văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), Văn Giá (Trưởng khoa Lý luận - Phê
bình - Sáng tác Văn học, Đại học Văn hoá) và người dẫn Mai Chi (Đặng Hoàng Giang). Chương trình diễn ra như một buổi café văn học nhẹ nhàng và thoải mái tại Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu, với hai phần: điểm sách và thảo luận về phê bình.
Mỗi diễn giả được điểm hai cuốn sách. Nguyễn Chí Hoan giới thiệu Thượng đế và đất sét (Nguyễn Nguyên Phước) và Biển (John Banville - Trịnh Lữ dịch) với những lời ngợi ca nồng nhiệt. Phạm Xuân Thạch đề cao giá trị học thuật của chuyên luận Văn chương thẩm mỹ và văn hóa (Lê Ngọc Trà) và lấy làm tiếc cho Hồ Anh Thái với Đức phật, nàng Savitri và Tôi - cuốn sách được ông coi là "một tác phẩm giải trí được viết tốt" nhưng "sự dễ dãi và hời hợt trong tư tưởng và ngôn ngữ khiến cho cái ý hướng triết lý bị bóp chết từ trong trứng" và vì thế "một cuốn sách lớn của cuộc đời lại tuột khỏi tay Hồ Anh Thái". Nhà phê bình Văn Giá phê sự gầy và nhẹ của các tác giả trong cuốn Vũ điệu thân gầy. Còn Nguyễn Hòa kịch liệt phê bình thói làm việc dễ dãi của những người làm sách thể hiện ở cuốn Thế giới nghệ thuật Tạ Duy Anh - tập hợp các khóa luận tốt nghiệp và luận văn cao học tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông gọi đây là "nỗi xấu hổ của nền phê bình văn học nghệ thuật 2007".
Trước đây, phê bình từng được gán cho một sứ mệnh lớn lao, là "chiếc roi quất mạnh" vào con ngựa văn học. Nhưng tại buổi trò chuyện này, những người tham gia đã đưa ra cách hiểu giản dị hơn. Họ gọi nhà phê bình là những người đọc chuyên nghiệp và sau đó diễn giải cách đọc của mình cho độc giả. Nguyễn Hoà còn cẩn trọng lưu ý thêm: "Không nên quan niệm nhà phê bình là những kẻ định hướng cho người sáng tác, họ chỉ sử dụng tiêu chí của mình để định tính, gợi ý về tác phẩm chứ không quyết định số phận của nó".
Những diễn giả tham gia thảo luận. |
Từ vị trí khán giả, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng, không nên đặt ra những vấn đề ở "tầm thấp" như thế, và ông đề xuất trưng cầu ý kiến của mình về thực trạng bóng tối sau lưng nhà phê bình. Theo ông Ân, đời sống phê bình văn học trên báo chí có vẻ rôm rả về bề nổi nhưng thực tế, các nhà phê bình đã bỏ rơi rất nhiều cuốn sách có giá trị. Điển hình là những đầu sách do ông dày công sưu tầm, biên soạn với hàm lượng tri thức cao như Tư liệu về cuộc phê bình tập thơ Việt Bắc và Tác phẩm đăng báo của Phan Khôi lại không mấy được báo chí để mắt tới. Đây chính là chỗ nhạy cảm nhất nhưng lại có thể diễn giải bằng nhiều nguyên nhân nhất của đời sống phê bình tại Việt Nam. Nhà phê bình Văn Giá khẳng định: "Vấn đề này là hiện trạng của mọi nền văn học và nhiều khi, nó là hệ quả của những nguyên nhân khách quan, nằm ngoài ý muốn của những người cầm bút". Còn Nguyễn Hoà thẳng thắn: "Nhà phê bình cần rèn luyện bản lĩnh dám nói ‘không’ để có thể công tâm, khách quan và không lừa dối bạn đọc. Hiện nay, những người làm nghề đang ít nhiều bị chi phối bởi thói thường và những toan tính mưu sinh của đời sống".
Từ câu hỏi của Lại Nguyên Ân, nhà phê bình Phạm Xuân Thạch đã đặt ra một vấn đề xa hơn, đó là sứ mệnh phát hiện của các nhà phê bình trong việc đưa những tác giả tài năng, những tác phẩm có giá trị từ trong bóng tối ra ánh sáng. Đây cũng là một điểm yếu của phê bình Việt Nam. Ngoài ví dụ "kinh điển" nhất là việc Nguyên Ngọc và Hoàng Ngọc Hiến phát hiện ra Nguyễn Huy Thiệp thì đến nay, giới phê bình vẫn chưa dẫn ra được một trường hợp nào minh chứng cho con mắt xanh của mình. Nguyên nhân chính, theo đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, có lẽ bởi, các nhà phê bình "chưa đủ sáng để nhìn thấy bóng tối". Họ phần lớn vẫn còn ngồi lẫn trong bóng tối, hoặc trong cái nhập nhoạng giữa ánh sáng và sự nhờ nhờ sáng.
Nhà phê bình Lại Nguyên Ân phát biểu. |
Tuy chủ đề của chương trình là "Phê bình văn học trên báo chí: Lý tính và cảm tính" nhưng câu chuyện thời sự này vẫn chưa được đề cập đến một cách thấu đáo. Nguyễn Chí Hoan cho rằng, ở Việt Nam chưa thực sự có phê bình văn học trên báo chí mà mới chỉ tồn tại dạng điểm sách. Cần phân biệt người điểm sách và người phê bình. Đánh giá về thể loại điểm sách ở Việt Nam, các nhà phê bình cho rằng, hoạt động này còn mang nhiều cảm tính, hệ quả của những chương trình PR rầm rộ mới phát triển mạnh thời gian qua. Nếu quá bị chi phối bởi những điều kiện vật chất, những người điểm sách sẽ có thể dẫn dắt người đọc tới những sự lựa chọn sai lầm.
Nhưng từ cách nhìn của một độc giả, Huệ Vân (sinh viên năm 4 Đại học Bách Khoa) phát biểu: "Tôi thấy điểm mạnh nhất của các nhà phê bình Việt Nam là phê bình lẫn nhau. Rất nhiều công trình ra đời với mục đích công kích cá nhân hơn là phân tích thực sự về tác phẩm. Những người chuyên viết về văn học đương đại thì bị gọi là xu thời, chạy theo thị hiếu người đọc, còn những người say sưa nghiên cứu về văn học cổ lại bị phê phán là chỉ dám viết về những giá trị đã định hình, không đưa ra được nhận định về những cái mới, cái hiện tại. Thế nào họ cũng nói được. Mỗi người, theo tôi, hãy cứ làm tốt phần việc của mình thì hơn".
Và như mọi cuộc thảo luận văn học khác, vấn đề luôn chỉ được xới xáo lên chứ không đi đến kết luận. Tổng kết cuộc trò chuyện, MC Mai Chi, lại dẫn lời của một tác giả nước ngoài cho rằng, phê bình luôn nằm trong trạng thái khủng hoảng vĩnh viễn.