![]() |
Ảnh: Corbis.com. |
Quyền lực của sắc đẹp
Ông bà ta dạy rằng "tốt gỗ hơn tốt nước sơn" nhưng ngày nay, "gỗ" như thế nào không biết, chỉ thấy "nước sơn" là phần đập vào mắt người ta ngay từ cái nhìn đầu tiên. Những người sở hữu dung nhan kém anh, kém chị thường rất mặc cảm, ngại tiếp xúc với cộng đồng, xã hội, đặc biệt, một số người làm công tác ngoại giao lại càng kém tự tin.
Có lẽ không quá lời để nói rằng sắc đẹp góp phần không nhỏ trong sự thành công. Bởi vì, khi người ta không tự tin về ngoại hình cũng đồng nghĩa với việc kém tự tin trong giao tiếp, ứng xử, là những yếu tố góp phần quan trọng để mở cánh cửa thành công.
Nếu như ngày xưa, người nào sinh ra nhằm ngôi sao xấu thì đành chấp nhận số phận, không có cách gì thay đổi được. Nếu những "con vịt xấu xí" bỗng chốc trở thành "thiên nga xinh đẹp" chỉ có trong truyện cổ tích thì ngày nay, việc hoán đổi đó có thật, nhờ sự can thiệp của dao kéo.
Chiếc đũa thần kỳ cũng có thể mang đến nhiều rắc rối
Mũ tẹt, mắt ti hí, ngực lép kẹp... bỗng chốc biến mất, thay vào đó là những đường nét chuẩn duyên dáng. Nhưng, dù kỹ thuật hiện đại đến đâu cũng có những yếu điểm, sơ hở. Hậu quả thường thấy là người bệnh không hài lòng, biến chứng xấu, tai biến có hại cho sức khỏe.
Hiệu quả của phẫu thuật thẩm mỹ phụ thuộc vào hai yếu tố: Tay nghề của kỹ thuật viên và tố chất di tuyền, cơ địa của người được phẫu thuật. Trong đó, tay nghề của kỹ thuật viên có tính quyết định cao. Phẫu thuật viên có tay nghề càng cao, người bệnh càng dễ đẹp hơn. Ngược lại, phẫu thuật viên có thể làm đối tượng xấu đi. Những trường hợp thường thấy như cắt mắt không đều (do cắt đứt dây cơ chằng, cắt quá nhiều da), nâng mũi cao quá, ngực nâng quá đà, đường nét không cân đối...
Bên cạnh đó, mọi dụng cụ đặt vào trong người dù là chất tương hợp sinh học như chất nâng mũi, ngực đều là vật lạ và có thể gây phản ứng cho cơ thể không ít cũng nhiều, tùy loại tốt, xấu. Đặc biệt, bộ phận ngực muốn làm to thêm, chỉ nên đặt túi ngực, tuyệt đối không tiêm các chất lỏng vào vì nguy cơ phản ứng rất cao.
Chúng ta vẫn thường nghĩ, đã gọi là mổ thẩm mỹ thì sẽ không để lại sẹo nhưng sự thật là sẹo buộc phải có. Vấn đề là sẹo ít hay nhiều, rõ hay không, có che giấu được ở những vùng khó thấy không? Chẳng hạn, trong phẫu thuật căng da mặt kinh điển, đa số đường sẹo được giấu trong chân tóc, chỉ phần ở trước tai là buộc phải lộ ra.
Một điều quan trọng cần lưu ý là cơ địa sẹo lồi. Trên những người này, dù cho phẫu thuật giỏi cách mấy, sẹo vẫn lồi, vẫn xấu. Nhiều trường hợp, chỉ cần một lần nặn mụn thôi, sẹo lồi đã phát triển, không ngăn được. Sẹo lồi là một "đại nạn" của phẫu thuật thẩm mỹ. Đã có rất nhiều nghiên cứu để chữa, làm giảm sẹo lồi nhưng kết quả vẫn rất hạn chế. Thậm chí, càng can thiệp, sẹo lồi càng to nhanh thêm. Vì vậy, những người có cơ địa sẹo lồi phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định phẫu thuật thẩm mỹ.
Nhiều người có quan niệm, giải phẫu thẩm mỹ có thể dẫn tới tử vong. "Thực tế, vì đại đa số các phẫu thuật thẩm mỹ là ở phần nông, phần da của cơ thể nên độ an toàn cao, khả năng nguy hiểm ảnh hưởng đến sinh mạng thấp, không như các phẫu thuật vào sâu trong cơ thể (mổ nội tạng tim, phổi, sọ não...). Tuy nhiên, vì là một cuộc phẫu thuật nên tạo hình thẩm mỹ cũng chịu những nguy cơ và tai biến chung như mọi phẫu thuật khác. Ví dụ như phản ứng thuốc các loại, tai biến do gây mê hồi sức, biến chứng nhiễm trùng, chảy máu", tiến sỹ Lê Hành, chuyên viên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, khẳng định.
Một số ca phẫu thuật thẩm mỹ gây chết người chủ yếu do thiếu dụng cụ hỗ trợ, theo dõi bệnh nhân, không kiểm soát được khâu gây mê, cầm máu. Ngoài ra, phẫu thuật cũng là cơ hội để những bệnh tiềm tàng có sẵn trong người bệnh nhân (cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, máu loãng...) bùng phát và gây tai biến nặng nề. Vì vậy, những người sắp được làm phẫu thuật thẩm mỹ phải được kiểm tra sức khỏe kỹ càng trước để có những biện pháp phòng tránh và xử lý thích hợp đối với các tai biến đáng tiếc.
Khi quyết định "thay đổi số mệnh", người bệnh phải được biết và chấp nhận hậu quả biến chứng ngoài ý muốn có thể xảy ra. Mặt khác, "chủ nhân" phải nâng niu "dung nhan mới" như báu vật nếu không muốn xảy ra chuyện dở khóc, dở cười. Tú Anh, 23 tuổi ở quận 7, TP HCM nâng chiếc mũi vừa tẹt vừa nhỏ năm cô 18 tuổi. Tháng trước, cô bị vấp ngã, mặt úp xuống đường khiến chiếc mũi thanh tú trở chứng, ngày càng to quá mức, buộc cô phải nghỉ bán hàng ở siêu thị, góp tiền đến Bệnh viện Chợ Rẫy nhờ chạy chữa.
Phẫu thuật viên thẩm mỹ làm dâu trăm họ
Phẫu thuật viên thẩm mỹ được ví von như người làm dâu trăm họ. Các cuộc phẫu thuật khác trong y khoa có biến chứng xấu thì chỉ có người trong cuộc mới biết. Đối với phẫu thuật thẩm mỹ, ai cũng có thể phát hiện ra kẽ hở, dù chỉ là một vết sẹo. Vì thế, ngành phẫu thuật thẩm mỹ luôn chịu búa rìu dư luận giáng xuống thật mạnh tay nếu xảy ra bê bối gì.
"Nói phẫu thuật thẩm mỹ sửa ngoại hình nhưng thực ra là sửa cái đầu, đích sau cùng là làm hài lòng thân chủ của mình", tiến sỹ Lê Hành cho biết. Khi "tác phẩm mới" vừa hoàn thành, phẫu thuật viên thấy chưa ưng ý lắm nhưng người bệnh đã có thể cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Ngược lại, không ít người trở đi trở lại đòi chỉnh sửa mặc cho bác sỹ khẳng định "tác phẩm" ấy đã rất thành công. Nhiều chị em còn một mực đòi bác sỹ phải nâng mũi thật cao, làm ngực to như Tây mặc dù đã được giải thích điều đó không hợp lý và khá mạo hiểm về mặt sức khỏe cũng như thẩm mỹ.
Tiến sĩ Lê Hành khẳng định, khâu tư vấn đóng vai trò rất quan trọng nhưng nó lại thường bị xem là phần thứ yếu, chưa được quan tâm đúng mực trong phẫu thuật thẩm mỹ. Chính vì thế, nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra giữa phẫu thuật viên và thân chủ của mình.
Chị em phải biết chính xác là mình thích, muốn điều gì và phẫu thuật sẽ thực sự mang lại gì. Họ nên hỏi để biết rõ ràng vễ những cái được và mất của mình qua phẫu thuật, điển hình nhất là sẹo mổ, chẳng hạn, sau mổ thì có sẹo ở đâu, dài hay ngắn và diễn biến của sẹo như thế nào. Ví dụ, để cải thiện những vết rạn trên da bụng quá nhiều sau sinh nở thì phẫu thuật cắt bớt da thừa, nhão, bị rạn rồi căng lại thành bụng là một chỉ định tốt. Tuy nhiên, bệnh nhân phải hiểu rõ là, không phải toàn bộ vết rạn sẽ được xóa bỏ và quan trọng nhất là sẽ có một vết sẹo khá dài ngang bụng dưới.
(Theo Thế Giới Mới)