Phẫu thuật điều trị ung thư thực quản là loại phẫu thuật phức tạp trong các phẫu thuật ung thư tiêu hóa. Trước đây, phẫu thuật ung thư thực quản thường được mổ mở, với ba đường mổ, gồm đường mổ ngực cắt gần toàn bộ thực quản ngực, lấy bỏ hạch trung thất; sau đó mổ bụng, vét hạch bụng và phẫu tích; tạo ống dạ dày để thay thế thực quản, đưa ống dạ dày lên cổ để nối với thực quản cổ qua một đường mổ cổ. Cuộc phẫu thuật thường kéo dài 7-8 giờ với nhiều tai biến, biến chứng nặng cùng tỷ lệ tử vong cao. Bệnh nhân sau mổ sẽ chịu nhiều đau đớn, phục hồi chậm.
Ngày nay, điều trị ung thư thực quản đã có sự tiến bộ với phương pháp phẫu thuật nội soi. Theo PGS.TS.BS.Thầy thuốc nhân dân Phạm Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật Bệnh viện Vinmec Times City cho biết, phẫu thuật nội soi gồm các đường rạch nhỏ 5-10 mm để đưa camera và dụng cụ nội soi vào thực hiện cuộc mổ, trường mổ rộng, rõ ràng, cấu trúc giải phẫu được phóng đại nhiều lần nên dễ phẫu tích. Phương pháp này cũng ít gây tai biến, biến chứng, bệnh nhân ít đau, nhanh hồi phục, vết mổ thẩm mỹ và vẫn đạt được tính triệt căn của phẫu thuật ung thư, cải thiện chất lượng cuộc sống sau mổ cho người bệnh.
Bác sĩ Phạm Đức Huấn cho biết, tại bệnh viện Vinmec, phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị ung thư thực quản được thực hiện thường xuyên, với kỹ thuật cải tiến. Bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật nội soi hoàn toàn để cắt thực quản với tư thế sấp nghiêng 30 độ để tạo trường mổ rộng, giúp việc cắt u và vét hạch trở nên dễ dàng hơn; tạo hình thực quản bằng dạ dày toàn bộ và nong môn vị trước mổ, giúp rút ngắn thời gian phẫu thuật còn khoảng 4 giờ.
Tiến bộ trong điều trị đa mô thức
Cùng với phẫu thuật nội soi, việc điều trị đa mô thức, kết hợp hóa - xạ trị đồng thời trước mổ cũng là tiến bộ mới tại Bệnh viện Vinmec, theo ThS. BS. Đoàn Trung Hiệp - Trưởng khoa Xạ trị. Theo đó, hóa - xạ trị đồng thời trước mổ mang lại nhiều lợi ích, làm giảm thể tích khối u, giảm giai đoạn bệnh, tiêu diệt hết khối u. Phương pháp này cũng giúp người bệnh cải thiện sức khỏe, giảm tình trạng nuốt nghẹn sau 2-3 tuần điều trị, tạo tâm lý tốt cho người bệnh trước khi phẫu thuật.
Bác sĩ Đoàn Trung Hiệp cho biết, các nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy hóa - xạ trị trước mổ làm giảm giai đoạn bệnh từ 60-70%, tỷ lệ đáp ứng hoàn toàn có thể đạt từ 25-30%, nghĩa là khi mổ không còn khối u ở thực quản và khi xét nghiệm giải phẫu bệnh không còn tế bào ung thư trên bệnh phẩm. Phương pháp này còn giảm tỷ lệ phải hóa - xạ trị bổ trợ sau mổ, vốn gây mệt mỏi, tai biến, biến chứng đồng thời giảm thời gian, chi phí điều trị.
Bên cạnh đó, Vinmec còn sử dụng trang thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ 4D trong xạ trị trước mổ. Công nghệ này giúp kiểm soát nhịp thở của người bệnh, chủ động điều tiết quá trình xạ trị, tập trung liều chiếu xạ chính xác vào khối u và vùng hạch di căn. Hệ thống có thể tính toán, điều biến liều xạ, lập trình kế hoạch riêng biệt cho từng người bệnh cụ thể. Nhờ đó tối ưu hiệu quả điều trị và bảo vệ các cơ quan quan trọng xung quanh thực quản như phổi, tim, mạch vành, tủy sống, giảm thiểu tai biến, biến chứng do xạ trị gây ra.
Bệnh nhân tại Vinmec còn được hội chẩn bởi hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia Ngoại khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Nội ung bướu, xạ trị, Giải phẫu bệnh. Các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu, phù hợp với từng người bệnh. Bệnh viện kết hợp chương trình phục hồi sức khỏe sớm sau mổ gồm giảm đau sau mổ không dùng morphin, gây tê cơ dựng sống chống đau, tập vận động, tập thở, phục hồi chức năng, ăn sớm qua đường tiêu hóa sau mổ.
Ngày 8/1/2022, bệnh viện Vinmec dự kiến tổ chức hội nghị chuyên ngành quy mô toàn quốc về ung thư thực quản với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhằm giới thiệu những tiến bộ trong điều trị, mở ra triển vọng điều trị mới cho các bệnh nhân ung thư thực quản tại Việt Nam.
Hà Thanh (Ảnh: Vinmec)