Nghiên cứu kéo dài 40 năm, trên gần 22.000 người đã phẫu thuật giảm cân ở Utah, được công bố trên Tạp chí Béo Phì. Theo các nhà khoa học, so với nhóm có cân nặng tương tự, người từng trải qua một trong 4 loại phẫu thuật giảm cân có nguy cơ tử vong thấp hơn 16%. Tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch giảm 29%, tỷ lệ tử vong vì các bệnh ung thư khác nhau giảm 43%. Theo Ted Adams, phó giáo sư về dinh dưỡng và sinh lý tổng hợp tại Trường Y thuộc Đại học Utah, đây là con số khá ấn tượng.
Eduardo Grunvald, giáo sư y khoa kiêm giám đốc y tế bộ phận quản lý về cân nặng, cho biết nghiên cứu củng cố kết quả của những công trình tương tự trước đó. Đây cũng là bằng chứng cho thấy phẫu thuật giảm cân có thể để lại hiệu quả lâu dài.
Hiệp hội Tiêu hóa Mỹ khuyến nghị người béo phì sử dụng các loại thuốc giảm cân đã được phê duyệt hoặc can thiệp phẫu thuật, kết hợp với thay đổi lối sống.
"Dù chưa rõ lý do cụ thể, nhưng phẫu thuật thực sự thay đổi các chất hóa học trong não bộ, khiến việc thay đổi chế độ ăn uống sau đó trở nên dễ dàng hơn nhiều", giáo sư Grunvald cho biết.
Tuy nhiên, theo Caroline Apovian, giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard, đồng giám đốc Trung tâm Kiểm soát Cân nặng, dù phẫu thuật giảm béo có lợi, chỉ 2% trong số các bệnh nhân đủ điều kiện quyết định thực hiện điều này, phần lớn do sự kỳ thị liên quan căn bệnh.
Bà cho biết các hãng bảo hiểm thường trả chi phí phẫu thuật cho những người trên 18 tuổi, có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 40.
"Tôi đã gặp những bệnh nhân có BMI là 50 và khuyên họ uống thuốc, ăn kiêng, tập thể dục và phẫu thuật. Nhiều người thẳng thừng từ chối can thiệp xâm lấn. Họ không muốn phẫu thuật bởi coi đây là đường tắt, là sự thất bại của ý chí", bà nói.
4 loại phẫu thuật giảm cân được nghiên cứu là bắc cầu dạ dày, thắt dạ dày, cắt dạ dày và chuyển đổi tá tràng. Phẫu thuật bắc cầu dạ dày được phát triển vào cuối những năm 1960. Bác sĩ sẽ tạo ra một túi nhỏ gần đỉnh dạ dày, đưa một phần ruột non gắn vào điểm đó, bỏ qua phần lớn của dạ dày và tá tràng.
Trong các ca thắt dạ dày, bác sĩ sử dụng một dải đàn hồi thắt chặt hoặc lỏng xung quanh phần trên cùng của dạ dày, từ đó hạn chế lượng thức ăn đi vào khoang này. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm cân không cao nên quy trình này ít phổ biến.
Nhiều bệnh nhân quyết định cắt bỏ hẳn một phần của dạ dày bằng phương pháp nội soi. Ca phẫu thuật mất ít thời gian, đảm bảo giảm lượng thức ăn đi qua dạ dày, là một trong những lựa chọn phổ biến nhất.
Chuyển đổi tá tràng dành riêng cho những bệnh nhân có BMI cao. Thủ thuật này phức tạp, kết hợp cắt bỏ dạ dày và cắt bỏ ruột, thường hiệu quả với người bệnh tiểu đường tuýp 2.
Thục Linh (Theo CNN)