Bệnh nhân ở quận Ô Môn được đưa đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu sáng 20/10. Các bác sĩ xác định ngoài hẹp nặng ba nhánh mạch vành, bệnh nhân còn tăng huyết áp, đái tháo đường type 2. Một điểm khó nữa là bệnh nhân có nhóm máu O/Rhesus âm, trong 10.000 người mới có 4-7 người cùng nhóm máu. Đây là nhóm máu phổ biến ở người châu Âu, rất hiếm ở người châu Á.
Bác sĩ chỉ định phẫu thuật cầu nối chủ - vành (4 cầu), không sử dụng ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể) với vật liệu làm cầu nối là toàn bộ động mạch. Bệnh viện phối hợp Bệnh viện Huyết học Truyền máu vận động ngân hàng máu sống và hiếm cung cấp hai đơn vị khối hồng cầu lắng, hai khối huyết tương đông lạnh và một lít tiểu cầu 250 ml gạn tách.
Ngày 11/11, với sự hỗ trợ của các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy, ê kíp phẫu thuật làm cầu nối mạch vành cho bệnh nhân. Ngày 20/11 bệnh nhân ổn định sức khỏe, xuất viện.
Bác sĩ Lâm Việt Triều, Khoa phẫu thuật tim, cho biết, với các ca phẫu thuật lớn, phức tạp, mất máu là nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh ngay trên bàn mổ. Xu hướng hiện nay là chỉ truyền máu khi thật cần thiết, tăng cường truyền máu tự thân, truyền máu hoàn hồi, pha loãng đẳng thể tích để tiết kiệm máu và tránh các biến chứng do truyền máu. Cách này rút ngắn thời gian bù lượng máu mất, đặc biệt trong các trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp.
Trong một số phẫu thuật tim mạch, nhất là trong bệnh lý động mạch chủ, lượng máu mất đi khá nhiều, cần được sử dụng lại cho bệnh nhân...
Cửu Long