Trudeau lập tức đối mặt với những lời bình phẩm như: “Xem kìa, đây là hình ảnh của tân Thủ tướng một đất nước G7 đấy”… Thậm chí, Adam Teiichi - một doanh nhân ở thành phố Vancouver - đã đăng một bài dài trên blog của mình và tuyên bố: “Tôi ghét Trudeau. Tôi phát ớn với khuôn mặt đầy tự mãn của ông ta”.
Người dân nước này không ít lần nói lên nhận định và suy nghĩ của mình về giới quan chức, theo cách như vậy. Cũng giống như thời đương nhiệm, dân chúng từng thấy một poster gương mặt bị chỉnh sửa xấu xí của ông Stephen Harper (lãnh đạo Đảng Bảo thủ, cựu Thủ tướng) ở bến metro với lời than thở “ông này giờ đã quá chậm chạp rồi, nên dừng lại cho người khác thay thế”.
Đã chẳng có vụ kiện tụng, bắt phạt nào cho những điều như thế.
Thời gian này, ở Việt Nam cũng xảy ra chuyện tương tự. Sau một status bình luận về chủ tịch tỉnh An Giang trên một trang Facebook, ba cá nhân bị xử phạt. Trước quá nhiều tranh cãi, quyết định phạt vừa được rút lại. Tỉnh cho biết đã đưa ra “biện pháp xử lý hợp tình hợp lý hơn”.
Trong một việc khác, liên quan đến chương trình Bitches in town - một talkshow bình phẩm nhiều thứ về làng giải trí, trong đó có chuyện ăn mặc của các nghệ sĩ - tôi thấy nhiều người cũng đòi phạt. Nhưng các cơ quan quản lý dường như có chút chần chừ. Nhà quản lý nói đại ý, nếu muốn, họ cũng có hành lang pháp lý để phạt nhưng có ai kiện cáo gì đâu mà phạt? Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, dù chưa có ai kiện, chương trình này cũng đã bị yêu cầu tạm ngừng.
Với hai sự việc trên, tôi cho rằng, nhiều người vội vàng xử phạt hoặc đòi xử phạt vì họ nhầm lẫn hoặc cố tình đánh đồng giữa hai khái niệm "thông tin" (fact) và quan điểm (opinion).
Bạn được tự do bày tỏ quan điểm, ý kiến, cảm nhận riêng. Nên người khác có quyền bày tỏ sự đồng tình hay không đồng tình dựa trên cảm nhận cảm tính cũng như dựa trên các giá trị đạo đức xã hội đó đang theo đuổi. Nhưng khi bạn đưa ra thông tin về người khác, bạn phải chịu trách nhiệm về sự thật trong thông tin đó.
Sự rạch ròi giữa thông tin và quan điểm luôn là mấu chốt của các vấn đề còn tranh cãi. Vì vậy, nếu ai đó muốn phạt, họ phải áp dụng các văn bản pháp luật cụ thể với đòi hỏi khắt khe về sự thật và các bằng chứng.
Trên thế giới, từng có nhiều trường hợp chính quyền phải vào cuộc khi câu chuyện bình luận về người khác đã phạm phải những điều cấm kỵ trong luật định. Cậu sinh viên 21 tuổi Liam Stacey (Anh) từng bị phạt tù khi đăng status bình phẩm về cầu thủ bóng đá da màu Fabrice Muamba (vì tội kỳ thị chủng tộc). Nhân vụ ồn ào xung quanh án mạng về một giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha, tài xế lái xe buýt Robert Riley (xứ Wales) đã tweet một dòng trạng thái đùa cợt rằng mình căm thù và sẽ giết chết những đồng nghiệp bằng phương pháp như với cô kia. Anh này sau đó bị hình phạt tù 8 tuần vì tội đe dọa, uy hiếp người khác. Sau cuộc tấn công Woolwichz ở Anh, Benjamin Flatters, một người dân thành phố đã vì bức xúc mà đăng tải bình luận chỉ trích những người Hồi giáo nói chung. Benjamin sau đó đã bị bỏ tù vì tội phân biệt tôn giáo.
Mạng xã hội không ảo như người ta vẫn tưởng. Những chuyện xảy ra trên không gian đó đang ngày càng tác động lớn vào đời sống thực. Tôi cho rằng, quản lý những gì được nói và viết trên Internet cũng cần phải tuân theo quy trình và luật pháp giống như nó được xuất bản dưới bất kỳ dạng nào và trong đời sống thực. Cơ sở để hy vọng vào một xã hội nơi mà mọi người tự do làm việc và phát ngôn theo khuôn khổ pháp luật là khi chúng ta tạo ra được sự bình đẳng, đảm bảo tính phi cá nhân, cũng như tính áp dụng chung của mọi văn bản pháp luật.
Bởi sức mạnh của xã hội pháp quyền sẽ không đến từ sức ép về chức sắc, về sự nổi tiếng hay áp lực sau những ồn ào của dư luận.
Hạnh Nhân