Sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, cho ý kiến về việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Theo dự thảo, mức phạt 7-15 triệu đồng áp dụng với nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng khi không được sự đồng ý của họ. Với người tham dự phiên tòa, nếu ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng sẽ bị phạt cùng mức.
Mức phạt tăng lên 15-30 triệu đồng nếu nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh phiên tòa hay ghi âm thanh của người tham gia tố tụng khi không được sự đồng ý của họ và phát trực tiếp trên không gian mạng.
Người tham gia phiên tòa nếu hỏi, trình bày ý kiến khi chưa được chủ tọa đồng ý; không ngồi đúng vị trí theo hướng dẫn của thư ký phiên tòa hay rời phòng xử án khi phiên tòa đang diễn ra mà không có lý do chính đáng và không được chủ tọa đồng ý... bị đề xuất phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.
Dự thảo Pháp lệnh cũng quy định mức phạt từ 100.000 đến một triệu đồng với một số vi phạm nội quy phiên tòa như: sử dụng điện thoại; không đứng dậy khi HĐXX vào phòng xử án, tuyên án; không chấp hành việc kiểm tra an ninh; hút thuốc, ăn uống, mặc trang phục không nghiêm túc... Người làm chứng, người phiên dịch, người giám định đã được tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến tòa án cũng bị phạt mức này.
Người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra dù đã được yêu cầu sẽ bị phạt từ bốn đến tám triệu đồng và có thể tăng đến 15 triệu đồng nếu nội dung tiết lộ làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra.
Giải thích vi phạm trong lĩnh vực tư pháp thường bị xử lý nặng hơn so với các lĩnh vực khác, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết do "đây là đặc thù của ngành". Nhưng các mức phạt đều nằm trong khung, đảm bảo thấp hơn mức tối đa, không vượt quá thẩm quyền của luật hiện hành.
Ông dẫn chứng, việc đánh người gây thương tích đã được nêu trong Bộ luật Hình sự nhưng công an, kiểm sát viên đánh người thì đấy là "hành vi buộc phải xử nặng". TAND Tối cao sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo pháp lệnh để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với việc tăng mức phạt. Tuy nhiên để đồng bộ với hệ thống pháp luật, ông đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các luật chuyên ngành để "tránh một hành vi mà hai văn bản quy phạm pháp luật lại xử lý khác nhau".
Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, gồm 4 chương, 45 điều. Mức phạt tối đa với cá nhân là 40 triệu đồng; với tổ chức 80 triệu đồng.
Theo TAND Tối cao, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng tăng. Trong khi đó, quy định xử phạt chưa cụ thể, nằm rải rác trong các luật.
Việc xây dựng Pháp lệnh nhằm xử phạt nghiêm những hành vi cản trở hoạt động tố tụng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng, giữ gìn sự tôn nghiêm của tòa án...