Theo ông Jack Shonkoff - Bác sĩ nhi khoa, Giám đốc sáng lập Trung tâm toàn cầu về trẻ em, Đại học Harvard (Mỹ), những năm tháng đầu đời rất quan trọng với trẻ. Những trải nghiệm và các mối quan hệ với những người mà trẻ tiếp xúc đầu tiên sẽ định hình sự phát triển của não bộ. Chính nền tảng ban đầu sẽ ảnh hưởng đến tất cả việc học tập và hành vi, cũng như sức khỏe thể chất, tinh thần, thế giới quan của trẻ trong suốt cuộc đời.
Lấy trẻ làm trung tâm
Với triết lý giáo dục Reggio Emilia, nhà giáo dục Loris Malaguzzi (Ý) tin rằng mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng. Trong đó, những ảnh hưởng của văn hoá quốc gia, sự giáo dục của cha mẹ và môi trường sống,... chính là những yếu tố khiến trẻ có cách phát triển nhận thức và tiềm năng riêng biệt.
Theo cô Alpha Butil - Trưởng khối Mầm Non, Trường Quốc tế Sài Gòn Pearl (ISSP), các hoạt động giáo dục và trải nghiệm từ triết lý Reggio Emilia đặt tiếng nói của trẻ là trung tâm. Điều này mang ý nghĩa các em sẽ được tự chọn những gì mình muốn học và được khuyến khích học theo cách chủ động thu nạp kiến thức. Từ cách tiếp cận này, các em sẽ xây dựng nền tảng phát triển toàn diện và trở thành công dân toàn cầu trong thời đại 4.0.
Tại trường ISSP, môi trường học dựa trên yếu tố thân thiện và gần gũi, trẻ khi đến lớp sẽ không bị bó buộc trong một không gian học tập cứng nhắc và nhàm chán. Thay vào đó, các em sẽ được chơi và học thông qua cách khai thác ngôn ngữ của trẻ như: trò chuyện, viết, chuyển động, vẽ, lego, đất sét, trồng cây, thủ công, âm nhạc,... Từ những chất liệu này, trẻ sẽ vận dụng vào cuộc sống để thể hiện bản thân và tự phát triển chính mình.
Cá nhân hóa bài giảng cho trẻ
"Ở các phương pháp giảng dạy cũ, giáo viên là người hướng dẫn và cung cấp kiến thức; học sinh ngồi ghi chép và lắng nghe bài giảng. Thế nhưng, với phương pháp giảng dạy dựa trên triết lý giáo dục Reggio Emilia, học sinh được làm chủ tiết học. Mỗi ngày đến lớp, các em sẽ quyết định mình học và nghiên cứu những gì thông qua sự phối hợp với giáo viên hoặc tương tác với các bạn khác để đạt được mục tiêu của mình. Chính cách giáo dục theo triết lý Reggio Emilia này tập cho trẻ thói quen tự giác, thúc đẩy tư duy phản biện và hướng đến kỹ năng làm việc nhóm trong tương lai", thầy Lester Stephens, Hiệu trưởng Trường International School Saigon Pearl nói.
Để làm được điều này, nhà trường và đội ngũ giáo viên phải nghiên cứu kỹ lưỡng và cá nhân hóa các chương trình giảng dạy dựa theo sở thích của độ tuổi mầm non. Từ đó, hoàn thiện bài giảng bằng cách đối chiếu với năng lực và mức độ hiểu biết của từng học sinh đang theo học tại trường.
Trong một tiết học ngoài trời của khối Mầm non trường ISSP, các em học sinh tìm thấy một con sâu bướm và tò mò về chúng. Để khám phá xem đó là loài sinh vật nào, giáo viên đã mở một khảo sát dựa trên trí tưởng tượng của trẻ bằng cách mô tả qua hình vẽ hoặc để các em tự diễn tả bằng hành động của con vật ấy,... Cuối buổi học, trẻ có thêm kiến thức về quá trình sinh trưởng của loài sâu bướm cùng các loài động vật khác, đồng thời có cơ hội sáng tạo dựa trên những kiến thức đó.
Vai trò của phụ huynh
Triết lý giáo dục Reggio Emilia không chỉ cần sự đồng hành của thầy cô mà còn có cả cha mẹ. Chị Trần Thu Hà – Nhà báo, tác giả sách về thiếu nhi, nhấn mạnh việc giáo dục cho trẻ trong những năm tháng đầu đời rất quan trọng. Đó là những điều nhỏ bé như: biết chia sẻ với người khác, cư xử văn minh, trung trực, nghệ thuật, thể thao,... Để làm được điều này, phụ huynh phải liên tục bồi dưỡng và học hỏi mỗi ngày để làm tấm gương cho con.
Vì thế, cô Alpha trường Mầm non và Tiểu học ISSP khuyến khích phụ huynh hãy luôn lắng nghe và tạo điều kiện để trẻ phát huy bộ não và tiếp cận thế giới xung quanh. Đặc biệt, người lớn cần rũ bỏ những định kiến phổ thông về trẻ nhỏ và giúp con trải nghiệm cơ hội học tập và phát triển tư duy ngay khi học tại trường, trong đời sống hằng ngày. Theo cô Alpha Butil, trong triết lý Reggio Emilia, môi trường là người thầy thứ ba của trẻ, bên cạnh gia đình và thầy cô. Những hành động nhỏ bé như lắng nghe trẻ nói, hay cho phép con khám phá thế giới quan rộng lớn dựa trên kho tàng kiến thức trong gia đình và đời sống chính là cái nôi để trẻ thành công và tỏa sáng trong tương lai.
Huyền My