Bình Phước đang xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, phát triển du lịch chú trọng liên kết giữa các ngành, lĩnh vực khác, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, tỉnh có nhiều mô hình, sản phẩm du lịch xanh, homestay nghỉ dưỡng, điểm đến gắn kết sản xuất nông nghiệp bền vững.
Huyện Phú Riềng có nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm đặc trưng như hạt điều, sản phẩm từ hạt điều, sầu riêng, mít... Hiện địa bàn huyện có khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ, xã Long Hưng - một trong những địa điểm hấp dẫn du khách khi đến Bình Phước.
Đến với khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ, du khách có thể đắm mình trong khung cảnh sông nước, núi non và tham gia các trò chơi mang nét đặc trưng của vùng Đông Nam Bộ.
Ngoài ra, với diện tích khoảng 65 ha, du khách tới đây ngoài tự tay hái trái cây trong vườn và thưởng thức các món ăn đặc sản còn có thể kết hợp di chuyển thuận tiện tới những khu, điểm du lịch sinh thái khác như vườn quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập), trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng)...
Tại huyện Đồng Phú, nổi bật có mô hình trồng cây ăn trái gắn với du lịch trải nghiệm của anh Nguyễn Văn Mạnh, ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng.
Theo anh Mạnh, việc kết hợp nông nghiệp gắn với du lịch là giải pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị nông sản và phù hợp với xu thế hiện nay. Hiện các vườn cây ăn trái ở huyện chủ yếu trồng bưởi da xanh, chôm chôm và một số loại cây khác nhưng chưa có cây dâu da với số lượng lớn. Vì vậy, khi đến với khu vườn của anh Mạnh, du khách sẽ có trải nghiệm mới, khi được tận tay hái trái dâu da và ăn thử ngay tại vườn hoặc mua về.
Cả khu vườn cây ăn trái của anh Mạnh rộng gần 8 ha với gần 5 ha trồng sầu riêng, 3 ha trồng chôm chôm xen dâu da... Anh cho biết chưa có vị khách nào kiên trì đi hết vườn.
Vườn dâu da có 3 loại đó là dâu da xanh, dâu da xiêm và dâu da hạ châu. Thường vào tháng 2 (âm lịch) dâu da xanh sẽ bắt đầu đậu trái, đến tháng 4 thì chín cho đến hết tháng 7. Chủ vườn dự kiến trong tương lai sẽ cải tạo lại vườn, phát triển thêm một số cây trồng kết hợp để hình thành mô hình trải nghiệm du lịch nông nghiệp chuyên nghiệp.
Cũng phát triển theo hướng du lịch kết hợp nông nghiệp, anh Nguyễn Thành Trung, phường Minh Hưng và phường Hưng Long (Thị xã Chơn Thành) đã phát triển mô hình cà phê nông nghiệp vườn rau sạch "Hồ Lô quán".
Lên ý tưởng từ vườn rau của mẹ, mô hình cà phê Hồ Lô quán được anh Trung nghiên cứu, trồng thêm hồ lô treo trên giàn để làm đẹp cảnh quan, tạo không khí trong lành, xanh mát. Chủ cơ sở hy vọng, mô hình sẽ trở thành điểm đến tiềm năng phục vụ nhu cầu thưởng thức món ăn chế biến từ rau củ quả tươi, đồng thời thu hút sự quan tâm của khách hàng, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp hữu cơ bền vững.
"Khi đến tham quan, trải nghiệm dịch vụ, mọi người có thể ngắm cảnh quan thiên nhiên, tự tay chụp các bức ảnh sinh động và thưởng thức những quả bầu hồ lô tại vườn", anh Trung nói.
Trong chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, mục tiêu đến năm 2025 phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra chương trình cũng đặt mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền theo hướng chất lượng, đa dạng, khác biệt có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách.
Thế Đan