Thứ năm, 30/12/2021, 10:00 (GMT+7)

Phát triển bền vững đang trở thành xu hướng chung trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cả giáo dục.

Vào tháng 12/2020, Hội đồng quốc gia Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh - Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực, đã tổ chức Hội thảo "Đổi mới giáo dục và đào tạo vì mục tiêu phát triển bền vững", tại Đà Nẵng.

Trong hội thảo, các chuyên gia nhận định, giáo dục vì sự phát triển bền vững hướng tới các kiến thức, kỹ năng, giá trị và năng lực hành động cho người học. Hội thảo nêu mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam là "Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người".

Unesco cũng cho rằng, giáo dục vì sự phát triển bền vững trao quyền cho người học tự học tập kiến thức, kỹ năng, giá trị và thái độ, đưa ra các quyết định sáng suốt, thực hiện các hành động có trách nhiệm vì sự toàn vẹn của môi trường, kinh tế và công bằng xã hội. Đồng thời, giáo dục vì sự phát triển bền vững được công nhận là một yếu tố không thể tách rời của mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 4 về giáo dục chất lượng.

Theo Unesco, giáo dục vì sự phát triển bền vững là quá trình học tập suốt đời và là một phần không thể thiếu của giáo dục chất lượng, giúp nâng cao nhận thức, xã hội và cảm xúc và hành vi của người học. Quá trình này bao gồm nội dung và kết quả học, phương pháp sư phạm và môi trường học. Bên cạnh chương trình giảng dạy, mô hình kiến trúc trường học phát triển bền vững cũng được quy định thông qua các tiêu chí đánh giá như BREAM, Green Star, LEED... dành cho trường học.

Trên thực tế, mô hình này đã được nhiều trường đại học trên thế giới ứng dụng đưa vào giảng dạy. Có thể kể đến những "cái tên" như University of Technology Sydney (Australia), University of Machester (Mỹ), Queen's University (Canada)... Còn tại Việt Nam, 4 trường đại học Việt Nam nằm trong bảng THE Impact Rankings 2021 do tạp chí Times Higher Education bình chọn gồm Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Bách khoa Hà nội và Đại học Phenikaa.

Là thế hệ lớn lên trong thời đại bùng nổ Internet, mạng xã hội và smartphone, thế hệ gen Z có thể dễ dàng tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn, nhanh chóng hội nhập xu hướng mới trên toàn cầu. Với tố chất muốn dẫn đầu xu hướng cùng tinh thần cởi mở, sáng tạo cao, nhiều bạn trẻ thế hệ Z đã trở thành nhà hoạt động tiêu biểu trong vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới hay chống phân biệt chủng tộc. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), đã có hơn 22 nhà hoạt động trẻ trên khắp thế giới cùng góp tiếng nói trách nhiệm, truyền cảm hứng về các vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Thông qua hành động thiết thực, thế hệ Z bộc lộ quan điểm cá nhân cùng góc nhìn toàn diện hơn về thế giới, từ đó lan tỏa tác động tích cực đến cộng đồng. Đại diện trường University of Technology Sydney, Australia đánh giá, chính tính cách, lối sống quan tâm đến môi trường, sự phát triển bền vững của thế hệ Z đã tạo nên khác biệt trong cách thức, tiêu chí lựa chọn môi trường giáo dục ở bậc đại học của thế hệ này.

Nguyễn Việt Anh (23 tuổi), du học sinh tại Australia cho hay, chương trình giáo dục chất lượng, chủ động, cho phép người học tự quyết định và chịu trách nhiệm là tiêu chí chọn trường của bạn trẻ này. Để có lựa chọn đúng đắn về chất lượng đào tạo của các trường, Việt Anh đã tham khảo đánh giá xếp hạng của trường, chuyên ngành trên các bảng xếp hạng thế giới như US News & World Report, Times Higher Education World University Rankings...

"Bảng đánh giá chỉ là một phần để tham khảo. Mục tiêu quan trọng nhất của mình khi du học là hiện thực hóa ước mơ, được trao quyền chủ động học tập, để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân", Việt Anh chia sẻ.

Cũng theo giới chuyên môn, bảng xếp hạng các trường đại học có sự ảnh hưởng nhất định đến 4 năm học và tác động đến sự đánh giá của nhà tuyển dụng sau khi sinh viên ra trường. Dù vậy, cũng có nhiều trường chất lượng cao không khoe thành tích để tăng thứ hạng nhưng sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm. Vì thế, xếp hạng của trường chỉ nên là một trong những tiêu chí cần cân nhắc.

Còn với du học sinh Trần Hoàng Lan (22 tuổi) cơ sở vật chất và các hoạt động sau giờ học tại trường là tiêu chí giúp bạn trẻ này đưa ra quyết định chọn trường cho con đường du học. Theo Hoàng Lan, một ngôi trường có cơ sở vật chất hiện đại, tiện nghi, đáp ứng được yêu cầu về học thuật, kỹ năng... sẽ giúp việc học trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn.

"Các hoạt động sau giờ học là một phần rất quan trọng trong cuộc sống sinh viên đại học, nó giúp mình lấy lại năng lượng. Ngoài giờ học, mình muốn được tham gia hoạt động thể thao nâng cao sức khỏe, gia nhập các câu lạc bộ hoạt tài năng. Tuy nhiên, có nhiều bạn lại bỏ qua tiêu chí này", Hoàng Lan nói.

Đánh giá về việc du học của giới trẻ, báo cáo Nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam của British Council thực hiện tháng 8/2020 chỉ ra, việc học ở nước ngoài đem lại sự độc lập và không gian nuôi dưỡng sáng tạo, nhờ chương trình học thực tiễn. Trong đó, được tiếp cận nhiều nền văn hóa, học ngôn ngữ mới cùng cách giảng dạy hướng tới tôn trọng người học là những điểm được đánh giá cao. Các quốc gia du học được nhóm khảo sát viên của British Council đánh giá cao, gồm Mỹ (chiếm 70% đánh giá), Vương quốc Anh (55%) và Australia (43%).

Để đáp ứng nhu cầu của người học, trường UTS đã có những đầu tư về giảng dạy, cơ sở vật chất, chương trình nghiên cứu và mạng lưới doanh nghiệp. Tất cả nhằm hướng đến giáo dục bền vững theo tiêu chí của Unesco: tạo điều kiện và trao quyền cho người học.

Theo đại diện UTS, trường ứng dụng mô hình học tập "learning.futures" trong giảng dạy: kết hợp giữa giáo trình được nghiên cứu theo nhu cầu tương lai, công nghệ hiện đại và trải nghiệm lấy học sinh làm trung tâm. Theo đó, UTS nhấn mạnh yếu tố linh hoạt trong chương trình học và linh hoạt khi chọn lựa chuyên ngành, lĩnh vực.

Đơn vị này cho phép học sinh khám phá tiềm năng bản thân, xây dựng khả năng tư duy liên ngành giữa các ngành học tại trường. Tính linh hoạt còn thể hiện ở thời gian kết hợp học tại lớp và học trực tuyến. Trong đó, mô hình học trực tuyến đã dược xây dựng từ năm 2015, cho phép người học làm chủ thời gian và các dự án ngoài giờ học.

Trường còn chú trọng đầu tư chương trình nghiên cứu cho sinh viên nhằm giải quyết vấn đề tương lai, tạo ảnh hưởng tích cực lên cộng đồng.

Về cơ sở vật chất, các tòa nhà của UTS đều nằm tại trung tâm thành phố Sydney (Australia), tạo thuận lợi cho sinh viên di chuyển giữa các khu vực. Khuôn viên của trường tích hợp công nghệ nhằm hỗ trợ sinh viên học tập. Trong đó, lớp học có thiết kế phù hợp để sinh viên học, làm việc nhóm liên tục; các phòng đều có thiết bị thuyết trình hiện đại; phòng công nghệ thông tin, phòng Data Arena có máy trình chiếu dữ liệu 3D-360 độ, phòng Protospace cho phép in 3D từ nhiều chất liệu khác nhau.

Điển hình như, sinh viên Khoa Truyền thông của trường được tiếp cận máy móc hiện đại; có phòng studio, trường quay phông xanh, phòng thu âm, thiết bị sẵn có... Sinh viên Khoa Khoa học được sử dụng phòng lab cao cấp có thể thực hiện hàng chục dự án cùng lúc, kính hiển vi 3D giúp quan sát trực quan thực tế...

Trong phát triển mạng lưới doanh nghiệp, UTS còn kết nối với hơn 1.000 doanh nghiệp liên quan đến các ngành, nghề được đưa vào giảng dạy và học tập, nghiên cứu tại trường. Mạng lưới doanh nghiệp này giúp hỗ trợ sinh viên UTS có cơ hội thực tập, hợp tác làm việc trong thời gian còn học và sau khi tốt nghiệp.

Nội dung: Hà Thanh - Thiết kế: Hằng Trịnh