9h tại phòng họp, CEO Nguyễn Thanh Hải cùng các kỹ sư của Asilla tại Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia cuộc thi ideathon nội bộ. Mỗi ý tưởng áp dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết vấn đề xã hội khả thi có thể đóng gói thành sản phẩm hoàn thiện để đưa vào thực tế được trình bày và phân tích.
Ideathon là hoạt động thường niên được anh Hải và các cộng sự ấp ủ và duy trì thực hiện từ khi công ty chỉ vỏn vẹn 5 thành viên đến khi quy mô nhân sự mở rộng gấp 12 lần. Sản phẩm Asilla nhận biết hành vi bất thường đang được phát triển và kinh doanh tại thị trường Nhật Bản cũng được "thai nghén" từ một cuộc ideathon như vậy.

Những buổi ideathon giúp đội ngũ Asilla đưa ra các ý tưởng kinh doanh mới. Ảnh: Asilla Việt Nam
Khởi nghiệp AI để thử thách bản thân
Trước khi khởi nghiệp với Asilla, rời giảng đường Đại học, anh Nguyễn Thanh Hải từng có một khoảng thời gian startup với nhiều mô hình công nghệ nhưng thất bại. Những thất bại liên tiếp khiến chàng thanh niên trẻ khi ấy quyết định quay lại thị trường outsourcing để xem thế giới đang làm gì và tìm kiếm các cơ hội mới.
Năm 2013, khi đang là kỹ sư cầu nối cho một công ty Việt Nam làm việc với đối tác Nhật Bản, Hải gặp Kimura, khách hàng khi ấy và cũng là người cộng sự của anh tại Asilla hiện tại. Sau nhiều lần chia sẻ quan điểm về thị trường IT tại Việt Nam, Nhật Bản và trên thế giới, anh nhận ra cần có nhiều hơn các doanh nghiệp có thể làm công nghệ và tự phát triển sản phẩm.
"Thị trường IT Việt Nam lúc đó phần lớn đi theo hướng gia công cho các công ty tại Mỹ, Nhật và châu Âu dựa vào lợi thế về nhân công rẻ. Tuy nhiên, khi mức lương ngành IT tăng, lợi thế này mất đi thì giá trị cạnh tranh của các công ty gia công phần mềm sẽ giảm", anh Hải kể.
Nhận thức được điều này cũng là lúc tại Việt Nam đang nổi lên xu hướng Big Data. Anh Hải và cộng sự có nghiên cứu một số các sản phẩm ứng dụng công nghệ này và đề xuất với công ty chủ quản khi ấy nhưng đều bị từ chối.

Anh Nguyễn Thanh Hải (đầu tiên từ trái qua) quyết định khởi nghiệp sau nhiều lần ý tưởng bị từ chối. Ảnh: Asilla Việt Nam
Sẵn "máu" khởi nghiệp, đồng thời, tìm được người cộng sự tin cậy, năm 2015, anh Hải và Kimura quyết định thành lập Asilla tại hai thị trường Việt Nam và Nhật Bản. Tại Việt Nam, Asilla được xây dựng với số vốn ban đầu khoảng hơn 100 triệu, chỉ đủ thuê địa điểm và mua trang thiết bị để bắt đầu nghiên cứu. Nhân sự công ty chỉ vỏn vẹn 5 người, 4 kỹ sư và 1 nhân viên lo các công việc hậu cần.
Khi mới khởi nghiệp, những kỹ sư trẻ chỉ thỏa mãn niềm đam mê tìm tòi và thử nghiệm công nghệ mớichứ chưa nghĩ sâu tới việc làm sản phẩm gì và giải quyết vấn đề gì cho khách hàng. "Các ý tưởng chết trên giấy không thể đếm xuể. Còn khi phát triển ra sản phẩm, không thể mở rộng kinh doanh, chúng tôi cũng thất bại khoảng 4-5 lần trước khi có khách hàng", anh Hải chia sẻ.
Mỗi thất bại lại đem đến cho anh Hải một bài học. Đó là kinh nghiệm trong việc cân bằng giữa công nghệ mình muốn thử nghiệm phát triển và nhu cầu của thị trường. Đồng thời, đây là tiền đề để nhóm nghiên cứu các sản phẩm tiếp theo dựa trên công nghệ lõi từ sản phẩm không thành công.
Sau nhiều lần nếm trái đắng, anh Hải cùng nhóm thực hiện dự án cũng thu về quả ngọt đầu tiên. Năm 2017, sản phẩm nhận diện hình ảnh nhạy cảm dựa trên trí tuệ nhân tạo có khách hàng và đem lại doanh thu mỗi tháng khoảng 800 nghìn yên, ước tính 150 triệu đồng. "Có khách hàng đầu tiên tôi vui không ngủ được. Từ mục tiêu có 1 khách hàng, chúng tôi cố gắng nhân nó lên gấp 10, 100 lần", anh Hải chia sẻ.
Từng làm những sản phẩm miễn phí, không được đón nhận, việc có những khách hàng đầu tiên mang đến sự tự tin lớn cho anh Hải và cộng sự. Đến 3/2019, Asilla thực hiện thành công vòng gọi vốn Series A tại Nhật Bản tổng trị giá 104,25 triệu yên.
Phát triển sản phẩm nhận diện hành vi bất thường dựa vào AI
Khác với những doanh nghiệp đang phát triển các sản phẩm AI nhận diện khuôn mặt, vật thể, con người, giải pháp của Asilla - công ty anh Hải lại chủ yếu dựa vào hình ảnh, video thu được từ camera an ninh để nhận diện hành vi. Đây là sản phẩm chính của công ty đang được tập trung để khai thác mở rộng. Anh Hải đánh giá, công nghệ này có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như giám sát, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hay phân tích hành vi khách hàng trong bán lẻ.
Công nghệ sử dụng các mô hình học máy để dự đoán tư thế của con người (pose estimation) từ hình ảnh, video bằng cách dự đoán các khớp trên cơ thể người (keypoints) từ đó hệ thống sẽ nhận diện được hành vi.

Ứng dụng AI nhận diện hành vi bất thường ngã, đột quỵ bằng hệ thống của Asilla. Ảnh: Asilla Việt Nam
Bằng việc cài đặt phần mềm này vào hệ thống máy chủ, việc giám sát camera 24/7 sẽ được AI thực thi. Khi có các hành vi bất thường như có người ngã, đánh nhau, đập phá đồ đạc hay xâm nhập vào vùng cấm, hệ thống sẽ gửi cảnh báo ngay lập tức tới người dùng. Ngoài ra, thuật toán của Asilla còn có khả năng tự học và phát triển để đưa ra dự báo dựa trên kho dữ liệu nhằm hạn chế hành động bất thường.
Thuật toán của sản phẩm này được phát triển dựa trên những thất bại trong suốt hành trình 10 năm khởi nghiệp của anh Hải và các cộng sự. Năm 2017, chàng kỹ sư trẻ đã từng đi giới thiệu với đối tác một bản demo tương tự với sản phẩm hiện tại nhưng chưa thể tối ưu về chi phí và độ chính xác.
Sản phẩm sau đó bị từ chối nhưng là bài học kinh nghiệm để nhóm cải thiện và nâng cao độ chính xác của thuật toán như sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu ở nhiều góc độ, dạy máy học để mở rộng hành vi, phân biệt, định nghĩa được hành động bất thường.
Sau hơn 3 năm, AI nhận diện hành vi bất thường Asilla được ứng dụng tại Nhật Bản trong giám sát an ninh tại các tòa nhà, trung tâm thương mại, với độ chính xác lên tới 90%. Hiện, công nghệ của Asilla có thể giải quyết đồng thời nhiều camera, chỉ với 1 server có thể xử lý lên tới 50 camera, điều này giúp hệ thống nhỏ gọn hơn và tối ưu hiệu năng. Tại một số địa điểm được ứng dụng, số lượng nhân lực cho công tác an ninh được cắt giảm bởi đã có một "con mắt AI" theo dõi 24/7, không mệt mỏi và đạt độ chính xác tương đối cao.
Khi được ứng dụng tại Việt Nam hướng đến người dùng cuối, anh Hải kỳ vọng sản phẩm sẽ mang đến nhiều tiện ích và giúp xã hội an toàn hơn. Trong phần giới thiệu về công ty, anh Hải cũng mong muốn mang tới tầm nhìn "sử dụng trí tuệ nhân tạo để thay thế sự giám sát của con người, tạo ra một thế giới mà ở đó mọi sự cố và hành vi phạm tội có thể được dự đoán và ngăn chặn từ trước". Từng ngày, người giám đốc vẫn cùng các kỹ sư không ngừng nghiên cứu để hiện thực hóa mong muốn ấy.
Hồng Thảo