Theo Cổng thông tin điện tử Công an Gia Lai ngày 24/3, cơ quan này phối hợp với đơn vị chức năng kiểm tra và bắt quả tang một người sinh năm 1995, trú tại tỉnh Quảng Nam, vận hành thiết bị giả mạo trạm phát sóng BTS khi đang đỗ xe tại đường Nguyễn Tất Thành, TP Pleiku ngày 21/3.
Theo lời khai với cơ quan công an, người này thừa nhận dùng thiết bị giả trạm BTS để phát tán tin nhắn rác với nội dung khiêu dâm. Các tin nhắn này đi kèm đường link nhằm dẫn dụ người quanh khu vực truy cập và tải ứng dụng có nội dung đồi trụy, từ đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi này được thực hiện từ hôm 14/3 cho đến khi bị bắt hôm đầu tuần.
Vài tuần qua, người dùng di động tại nhiều khu vực trên cả nước bị làm phiền bởi các tin nhắn từ người gửi có tên như "gai goi", "lam tinh", "tinh mot dem". Các tin nhắn chứa nội dung về tình dục kèm link tải các ứng dụng trái phép.
Trả lời VnExpress hôm 23/3, đại diện Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thủ đoạn chung của chiêu lừa trên là sử dụng trạm phát sóng giả trạm BTS của nhà mạng. "Thiết bị có thể được đưa lên ôtô, xe máy di chuyển đến nơi đông người, phát tán tin nhắn tới những thuê bao trong vùng phủ của trạm BTS giả. Mỗi thiết bị có thể phát tán 70.000 tin nhắn mỗi ngày", đại diện Cục cho biết.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng tuyệt đối không mở đường link, liên kết trong tin nhắn lạ, không rõ nguồn gốc, không đăng nhập tài khoản cá nhân vào những địa chỉ này.
Theo chuyên gia kỹ thuật tại một nhà mạng lớn ở Việt Nam, kẻ gian lợi dụng cơ chế của điện thoại di động là luôn kết nối vào trạm phát sóng BTS có cường độ sóng mạnh nhất. Từ đó, chúng sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến trên băng tần giống với băng tần của nhà mạng nhưng có cường độ mạnh hơn nhằm "ép" điện thoại kết nối vào. Khi đó, thiết bị di động trong vùng phủ sóng của trạm BTS giả sẽ bị thu thập thông tin nhận dạng thuê bao (IMSI) và nhận được tin nhắn từ trạm này mà không cần thông qua nhà mạng.
Ông Ngô Minh Hiếu, nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo, cho biết việc mua thiết bị giả mạo BTS không khó do được bán trên một số nền tảng thương mại điện tử nước ngoài với giá tương đương vài trăm triệu đồng và có thể phủ sóng trong khoảng 2.000 mét và gửi hàng nghìn tin nhắn.
"Với trạm BTS giả, chúng có thể đặt bất cứ tên tin nhắn (brandname) là gì để dụ người dùng vào bẫy", ông Hiếu nói.
Đại diện một nhà mạng cho biết, BTS giả mạo là thiết bị không được phép lưu hành, hoạt động tại Việt Nam. Chúng dùng tần số trùng với nhà mạng, vi phạm điều cấm "sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông". Ngoài ra, đây là hành vi gây hại đến hoạt động của cơ sở hạ tầng viễn thông, cản trở hoạt động của hệ thống thông tin vô tuyến điện, cũng như tấn công, phá hoại hệ thống thông tin, được quy định trong Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện và Luật An toàn thông tin mạng.
Lưu Quý