Trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 6/3 của HĐND, thành phố đã trình bày đề án Hỗ trợ ổn định đời sống, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, nguy cơ thất nghiệp ở người nông dân mất tư liệu sản xuất đất đai rất lớn. Phần lớn họ ở độ tuổi cao, trình độ văn hóa hạn chế nên khó học nghề mới, không đáp ứng được nhu cầu lao động chất lượng cao. Trong khi đó, các chính sách của trung ương và thành phố về hỗ trợ học nghề, việc làm lại chưa đồng bộ và hiệu quả.
"Một bộ phận nông dân khi bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp đã trở thành hộ nghèo. Ở 5 quận, huyện bị thu hồi nhiều nhất, có hơn 1.200 hộ nghèo", ông Biền cho biết.
Hạn chế chủ yếu trong cơ chế chính sách hỗ trợ hiện có được chính quyền Hà Nội chỉ ra là việc bồi thường, hỗ trợ đều dưới hình thức chi trả trực tiếp, "trả tiền một cục" cho người dân bị thu hồi đất. Có tiền đền bù, người dân sử dụng phần lớn để xây nhà và mua sắm đồ dùng. Trong khi đó, họ chỉ chi chưa tới 4% tổng số để đầu tư cho sản xuất và cho con em học nghề.
Rất ít lao động xuất thân là nông dân địa phương làm trong các khu công nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà. |
Xuất phát từ thực tế trên, UBND thành phố đề xuất thành lập Quỹ Hỗ trợ ổn định đời sống, phổ cập giáo dục, học nghề và việc làm cho các hộ dân bị mất trên 30% đất sản xuất nông nghiệp. Quỹ này sẽ có vốn ban đầu 40 tỷ đồng từ ngân sách thành phố cấp.
Dự kiến, con em của các gia đình bị thu hồi đất sẽ được hỗ trợ học phí phổ thông trong 3 năm, người lao động có nhu cầu học nghề sẽ được bình xét, phát thẻ học nghề có giá trị tối đa 6 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo các cử tri dự hội nghị, không nên quy định phải bình xét, vì với những người không được bình xét thì không biết sẽ giải quyết chế độ, chính sách như thế nào. Ngoài ra, sẽ tạo ra cơ chế xin - cho.
Nhiều vấn đề thực tế khác cũng đã nảy sinh trong quá trình thu hồi đất giải phóng mặt bằng triển khai các dự án. Diện tích đất kẹt giữa các khu dân cư và dự án gần như không thể sản xuất nhưng chưa được chuyển đổi, rất lãng phí. Giá thu hồi đất nông nghiệp giữa quận nội thành và huyện ngoại thành chênh lệch khiến nông dân bức xúc...
Cử tri Phạm Thị Hạnh (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy) bày tỏ: "Tôi là xã viên trẻ nhất mà đã 62 tuổi. Chúng tôi bây giờ không thể học nghề, chỉ mong được thuê các khu đất kẹt để kinh doanh dịch vụ, làm chợ dân sinh. Đất đang bỏ hoang còn xã viên thì thất nghiệp".
Ông Khương Văn Vũ, Tổng Công ty Dệt may Hà Nội, đề nghị chính quyền địa phương nên thông tin về tuyển dụng cho người dân. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, miễn phí thủ tục, nhưng người dân không biết, lại phải qua "cò mồi".
Ông Nguyễn Khánh Trung, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Dạy nghề Hanel, cam kết sẵn sàng tham gia đấu thầu đào tạo lao động bị mất đất, đảm bảo 100% người qua đào tạo có việc làm ổn định, với mức phí đào tạo "thấp hơn mức 6 triệu đồng mà đề án đưa ra".
Ông Trung đề nghị phải có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp đóng trên địa bàn và chính quyền địa phương, nhằm tránh tình trạng chỉ sau 3, 4 tháng thử việc, doanh nghiệp cho người lao động thôi việc vì "không đáp ứng yêu cầu".
Phó chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết, UBND thành phố cũng dự tính xã hội hóa các hoạt động dịch vụ tại các khu đô thị và khu công nghiệp xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho người dân có đất bị thu hồi tham gia kinh doanh. Đặc biệt, lao động bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất sẽ được ưu tiên.
Trong 8 năm qua, Hà Nội đã triển khai được 2.818 dự án đầu tư liên quan đến thu hồi đất. Thành phố đã bàn giao cho chủ đầu tư gần 1.300 dự án với 6.300ha đất, trong đó trên 80% là đất nông nghiệp, liên quan đến gần 180.000 hộ dân. |
Nguyễn Hưng