Sau khi nghe tin có băng trên đỉnh Mẫu Sơn, Lạng Sơn, gia đình 5 người của chị Như Hoa, trú TP Lạng Sơn, lái xe lên đầu giờ chiều. Sau khoảng 45 phút, cả nhà tới khu nghỉ Chân Mây, cách đích khoảng 3 km thì gặp tắc đường. Xe máy, ôtô chen chúc trên đường đèo nhỏ, không thể nhúc nhích dù lực lượng chức năng phân luồng.
Một giờ đồng hồ sau, xe vẫn không thể đi thêm, bên ngoài sương mù, không thấy băng tuyết đâu. Hai con của chị Hoa, 3 và 5 tuổi, ngồi trên xe quá lâu đã mệt mỏi, khóc đòi về. Sốt ruột, chị gọi nhiều cuộc vào số điện thoại của ban quản lý khu du lịch, định nhờ báo khi nào đường thoáng hơn hoặc hỏi xe đón du khách, nhưng không nhận được câu trả lời. Chờ thêm một giờ nữa, các thành viên ai nấy đều thấm mệt, các phương tiện đằng trước quay đầu, nên chị Hoa cũng quyết định về nhà. Trên đường về, dòng xe vẫn còn nối dài hàng km, nhiều xe biển số vùng lân cận hoặc thậm chí cả Hà Nội. Chị đoán họ sẽ phải chờ 4-6 tiếng may ra mới lên được tới nơi.
Nghỉ ngơi buổi tối, sáng sớm hôm sau vợ chồng chị cùng các con dậy sớm, lại lên đỉnh Mẫu Sơn, quyết gặp băng giá. Khi đến nơi thì băng đã rụng hết do mưa lớn từ đêm, ngậm ngùi cả nhà quay về. "Ở Lạng Sơn nhưng tôi chưa từng được chứng kiến hiện tượng thiên nhiên này nên rất háo hức. Giờ thì buồn và thất vọng vì săn hụt băng", chị Hoa chia sẻ.
Đoàn Sang, Hà Nội, thì may mắn hơn chị Hoa khi được gặp những lớp băng mỏng, sau hai tiếng chờ đợi ở chùa Đồng trên núi Yên Tử, Quảng Ninh. Đổi lại anh có trận ốm nhớ đời khi sốt cao tới 39 độ C, người lạnh từng cơn.
Ngày 20/2, dù bố ngăn cản, Sang vẫn quyết tâm tới chùa Đồng vì hiện tượng băng giá "cả năm chỉ có một lần". Khi ngồi trên cáp treo, gió rít từng cơn, mưa tạt mạnh khiến cáp treo lắc lư. Anh linh cảm chuyến đi không suôn sẻ. Lên tới chùa Hoa Yên, mưa cùng sương mù làm tầm nhìn chỉ còn khoảng 3-4 m. Sang và bạn quyết định chỉ đi cáp treo lên tới An Kỳ Sinh sẽ quay lại do gió to và cả hai đều bị ù tai. Tuy nhiên, tới ga cáp treo, thấy có em nhỏ vừa đi bộ từ đỉnh chùa Đồng xuống, anh lại động viên bạn cố gắng đi tiếp, lên tới đỉnh, khả năng nhìn thấy băng tuyết sẽ cao hơn.
Quãng đường từ An Kỳ Sinh lên đỉnh chùa Đồng, mưa tạt vào mặt rét buốt, không ai dùng được ô. Mặc áo mưa giấy, nước mưa chui qua khe hở, thấm ướt 3-4 lớp quần áo làm Sang run cầm cập. Tới đỉnh, nhiều người vì trơn trượt mà ngã liên tục. Sau khoảng nửa tiếng chờ đợi, nhiệt độ đã xuống 0 mà không thấy băng hay tuyết, nhiều du khách bỏ về. Người bạn đi cùng Sang không có găng tay lạnh cóng, cũng giục anh về. Sang vẫn kiên quyết chờ thêm 1 tiếng 30 phút. Lúc này cạnh nhà ghi công đức đã có băng, mũ của Sang cũng đóng băng li ti trên bề mặt. Nhiệt độ dần ấm lên, anh cùng bạn mới xuống núi và đón cơn sốt, tay chân đau buốt.
Săn băng không dễ dàng, song nhiều du khách vẫn rất thích thú khi được tận mắt thấy hiện tượng này trong đời. "Trải qua nhiều khó khăn và chờ đợi, mình thấy rất mãn nguyện dù chỉ thấy một chút băng giá. Năm tới mình sẽ chuẩn bị kỹ, theo dõi thời tiết sát hơn để săn băng tuyết thành công", Đoàn Sang nói.
Gia đình 5 người của anh Minh Trường, Hà Nội, lựa chọn Phia Oắc, Cao Bằng, để săn băng. Anh chia sẻ chuyến đi rất thuận lợi, dễ dàng khi có sự chuẩn bị kỹ. Theo dõi thời tiết từ đầu tuần, ngày 17/2 anh đã cùng vợ con tới TP Cao Bằng, vừa du lịch vừa đợi băng. Sau khi biết thông tin băng đã hình thành ở Phia Oắc, 4h anh lái xe đưa vợ con lên tới nơi.
Khi tới nơi thì trời đã dần sáng, băng phủ nặng trĩu rừng cây, các con 2, 5 và 8 tuổi đều rất hứng thú, reo hò. Gia đình anh cắm trại tại đây, nghỉ ngơi ăn uống. "Từng săn băng nhiều nơi, tôi thấy khung cảnh này ở Phia Oắc rất đẹp, giống như khu vườn pha lê. Đặc biệt chuyến đi này cả nhà được cắm trại, các con thấy hiện tượng chỉ biết qua TV nên hứng thú", anh chia sẻ. Gia đình anh về thành phố nghỉ đêm chứ không ở trên xe như thường lệ vì nhiệt độ xuống khoảng âm 5 độ C khiến dầu máy đóng đông, không thể khởi động lại xe.
Theo thống kê của các địa phương, trong 3 ngày 19-21/2, đỉnh Mẫu Sơn đón khoảng 8.000 lượt khách tới săn băng tuyết, các cơ sở lưu trú kín phòng nên du khách phải ngủ đêm trên xe ôtô hoặc về thành phố. Tắc đường ngày 21/2 khiến nhiều người phải quay đầu xe sau khi chờ 4-6 giờ. Tại Phia Oắc, ngày 20-21/2 cũng có khoảng 6.000 lượt khách, song không ùn tắc vì có đường lên và xuống riêng biệt. Lực lượng chức năng nhắc nhở du khách phòng, chống Covid-19, cảnh báo di chuyển trên những đoạn đường đèo dốc, cua gấp dễ xảy ra tai nạn.
Trung Nghĩa - Lan Hương