Vào một ngày "đẹp trời", bạn đưa xe đi đăng kiểm và nhận được thông báo: "Xe anh chưa nộp phạt nguội nên chúng tôi chưa làm thủ tục đăng kiểm cho anh được". Rất có thể bạn sẽ "chết đứng như Từ Hải" khi nhận được thông báo từ cơ quan chức năng cho mức phạt các lỗi lên đến hàng chục triệu đồng kèm hình phạt bổ sung là giữ giấy phép lái xe vài tháng. Vâng, tôi đang nói về tôi cách đây một năm, tôi phải nộp phạt gần 17 triệu đồng cho các lỗi vượt đèn đỏ, quá tốc độ, đi sai làn, dừng đỗ sai quy định và tước bằng lái xe hai tháng. Có bạn nào rơi vào hoàn cảnh giống tôi hay bạn nào chưa bị phạt nguội thì cũng nên tìm hiểu đi nhé, nó có thể rơi vào bạn bất kỳ lúc nào đấy.
Thế phạt nguội là gì nhỉ?
Tại Hà Nội và một số thành phố, cơ quan chức năng đã gắn các camera ghi lại những khoảnh khắc mà chiếc "xế cưng" của các bạn vi phạm Luật giao thông đường bộ. Các lỗi được ghi nhận có thể là vượt đèn đỏ, quá tốc độ hay chạy sai làn đường. Về nguyên tắc, khi bạn vi phạm, cơ quan chức năng sẽ gửi giấy báo vi phạm về địa chỉ người vi phạm theo đăng ký phương tiện. Tuy vậy, vì nhiều lý do, giấy này có thể đến chậm hoặc không đến được tay người vi phạm. Phải đến khi đi đăng kiểm, nhiều người mới biết là mình đã bị phạt vì các lỗi mình đã vi phạm, chính xác hơn là "người lái chiếc xe của mình đã vi phạm".
Tại sao tôi lại nhấn mạnh đến "người lái chiếc xe vi phạm". Nó có lý do cả đấy các bạn ạ. Quay trở lại trường hợp của bản thân tôi, khi được cơ quan chức năng cho xem lại những "khoảnh khắc huy hoàng" khi xế cưng của mình vi phạm Luật giao thông đường bộ, tôi sững sờ nhận ra là tất cả những lỗi trên không phải do bản thân tôi gây ra.
Tôi vốn là người cẩn thận và luôn tuân thủ pháp luật, vậy lỗi do đâu. Thời điểm này năm ngoái, tôi đang sở hữu một chiếc xe "cỏ", hay nhiều người gọi nó là "thùng tôn di động". Đã là xe "cỏ" thì nhiều người thích mượn, mình cũng đâu nỡ từ chối bạn bè, anh em. Cũng chính vì sự cả nể này mà tôi lĩnh đủ hậu quả, ai mượn cũng nói "tôi đi nghiêm chỉnh mà, em không vi phạm gì đâu, anh đi cẩn thận lắm, vân vân và vân vân...
Thực ra dựa trên các dữ liệu được cơ quan chức năng thông báo như ngày giờ, địa điểm, tôi hoàn toàn có thể tra ra ai là người vi phạm. Tuy vậy tôi cũng chẳng muốn làm rõ điều đó, không muốn vì chuyện nhỏ mà mất đi tình cảm gia đình, bạn bè. Từ khi có xe mới, rút kinh nghiệm từ sai lầm lần trước tôi không cho mượn xe nữa. Ai có việc nhờ vả, nếu rảnh thì tôi lái giúp, nếu bận thì thôi. Qua câu chuyện tôi khuyên các bạn hãy đi đúng luật để khỏi rơi vào hoàn cảnh như tôi. Ai mượn xe của người khác thì càng nên đi cẩn thận, đừng vì sự cẩu thả của bản thân mà làm liên luỵ đến người khác.
Chúc các bạn mạnh khoẻ và lái xe an toàn!
Độc giả Duy Tuấn