Ngoài Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ mới nhậm chức chưa đủ thời gian công tác theo quy định, các đại biểu cũng miễn lấy phiếu tín nhiệm bà Lê Thị Hường, Giám đốc Sở Tài chính do bà này có quyết định nghỉ hưu từ ngày 1/7.
15 chức danh bỏ phiếu tín nhiệm đợt này gồm Phó chủ tịch HĐND thành phố, các Ủy viên thường trực HĐND, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Trưởng ban Pháp chế, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND, Chánh văn phòng UBND cùng các Giám đốc Sở do HĐND thành phố bầu.
Sau gần 2 giờ thảo luận tổ, 48 đại biểu HĐND đã bỏ phiếu. Sáng cùng ngày, kết quả lấy phiếu được công bố. Theo đó, dẫn đầu là bà Lương Nguyệt Thu, Trưởng ban Pháp chế HĐND với 40 phiếu tín nhiệm cao, 8 phiếu tín nhiệm, không có phiếu tín nhiệm thấp. Người đạt phiếu tín nhiệm thấp nhất là ông Nguyễn Văn Cán, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn báo chí của thành phố, với 7 phiếu tín nhiệm cao, 27 phiếu tín nhiệm và 14 phiếu tín nhiệm thấp.
Hầu hết lãnh đạo Đà Nẵng đều được tín nhiệm cao. Trong đó, Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Duy Khương được 39 phiếu tín nhiệm cao, 9 phiếu tín nhiệm và không phiếu tín nhiệm thấp; Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến được 34 phiếu tín nhiệm cao, 14 phiếu tín nhiệm và không có phiếu tín nhiệm thấp. Các phó chủ tịch UBND gồm Nguyễn Ngọc Tuấn, Nguyễn Xuân Anh, Phùng Tấn Viết lần lượt được 31, 21 và 19 phiếu tín nhiệm cao; 16, 23 và 20 phiếu tín nhiệm; 1, 6 và 7 phiếu tín nhiệm thấp.
* Kết quả tín nhiệm của 15 chức danh ở Đà Nẵng |
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ đánh giá buổi lấy phiếu tín nhiệm đảm bảo sự công tâm, khách quan, trung thực, nâng cao việc giám sát của đại biểu HĐND, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, hoàn thiện bản thân về năng lực làm việc và đạo đức lối sống.
Trước đó, sau phiên thảo luận của các tổ về việc bỏ phiếu tín nhiệm, ông Trần Thọ đã thẳng thắn tiếp thu những ý kiến của các đại biểu. Một vài tổ đề nghị cần mở rộng chức danh để HĐND bỏ phiếu như giám đốc các sở. Việc bỏ phiếu còn sót nhiều chức danh như chủ tịch các quận, huyện, phường (do Đà Nẵng đang thí điểm bỏ HĐND cấp quận huyện, phường).
Nhiều ý kiến cũng đề cập đến "hậu tín nhiệm", như sau một thời gian sau bỏ phiếu và lấy phiếu tín nhiệm, nếu những người có tín nhiệm thấp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì cần thiết bỏ phiếu tín nhiệm chứ không lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm nếu còn thấp thì bản thân người được bỏ phiếu nên từ chức, hoặc được điều chuyển công tác sang vị trí khác…
"Sau một năm, việc bỏ phiếu chỉ còn hai ô tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Nếu tín nhiệm thấp thì cần có ô chỉ rõ thấp ở điểm nào, ở năng lực hay ở đạo đức lối sống. Thường vụ HĐND sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến này", ông Thọ nói.
Trước kiến nghị nên trả lời chất vấn trước khi lấy phiếu tín nhiệm, ông Thọ cho hay, Thường vụ HĐND cũng đã tính đến, tuy nhiên lần bỏ phiếu của HĐND TP Đà Nẵng lấy kinh nghiệm trực tiếp từ Quốc hội trong đợt bỏ phiếu vừa qua. "Các báo cáo kiểm điểm của 15 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm lần này rất nghiêm túc và đã gửi sớm đến đại biểu HĐND tham khảo", ông Thọ nói thêm.
Nguyễn Đông