Vào tháng 4/1815, núi Tambora trên đảo Sumbawa ở Indonesia ngày nay phun trào dữ dội chưa từng thấy trong lịch sử. Một lượng khổng lồ đá vụn, nặng ước chừng 10 tỷ tấn, bắn vào khí quyển. Những mẩu đá này và tro bụi bay lên tầng bình lưu và lan rộng, bao trùm bầu trời và che khuất ánh sáng Mặt Trời suốt nhiều tháng. Vụ phun trào cũng giải phóng lượng lớn lưu huỳnh dioxide vào khí quyển, dẫn tới hình thành sulfate aerosol, khiến nhiệt độ bề mặt Trái Đất lạnh đi đáng kể. Nhiệt độ lạnh và các mô hình thời tiết thay đổi gây thất thu mùa màng và nạn đói ở nhiều nơi trên thế giới.
Nguồn tài nguyên khan hiếm ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống hàng ngày, làm nhiều người không thể nuôi sống động vật dùng cho giao thông truyền thống như ngựa và la. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Karl von Drais, một nhà phát minh trẻ tuổi người Đức, tìm thấy động lực để tạo ra hình thức di chuyển mới không phụ thuộc vào sức ngựa kéo. Điều này dẫn tới sự ra đời của phương tiện hai bánh đầu tiên trên thế giới.
Cỗ xe Laufmaschine do Von Drais thiết kế bao gồm hai bánh xe đặt thẳng hàng giống xe đạp và xe máy ngày nay. Cỗ xe làm bằng gỗ, với một thanh nằm ngang nối hai bánh gỗ có nan hoa. Một chiếc ghế bọc da nhỏ được đặt ở giữa thanh ngang, cung cấp chỗ ngồi cho người lái. Trục dọc với một loạt thanh điều khiển nối liền với bánh xe phía trước dùng để cầm lái. Lực đẩy của phương tiện hoàn toàn dựa vào sức lực của người lái. Người lái sẽ ngồi trên ghế bọc da, nhấn bàn chân của họ xuống mặt đất và di chuyển tới lui để lấy động lượng. Mỗi cú đạp sẽ đẩy cỗ xe tiến xa hơn so với một người đi bộ.
Ngày 12/6/1817, Von Drais khởi hành từ Mannheim dọc theo những con đường đẹp nhất tới Baden trên cỗ xe Laufmaschine. Đi theo lộ trình hướng tây nam, ông đã di chuyển quãng đường gần 7 km trước khi tới một nhà trọ dọc đường tên Schwetzinger Relaishaus. Dù chưa rõ liệu Von Drais có dừng lại ở nhà trọ để nghỉ ngơi hay không, tư liệu lịch sử xác nhận chuyến đi khứ hồi của ông chỉ kéo dài hơn một giờ, ít hơn một nửa thời gian nếu đi bộ cùng lộ trình từ Mannheim tới nhà trọ và trở về.
6 tháng sau, Von Drais xin cấp bằng sáng chế tại Pháp và giới thiệu thuật ngữ vélocipède để mô tả phát minh của ông. Việc xin cấp bằng sáng chế thành công và phương tiện nhanh chóng thu hút sự chú ý của xã hội Pháp. Von Drais giới thiệu cỗ xe tiên phong ở một số thủ đô châu Âu, lôi cuốn đông đảo khán giả với thiết kế mới và chức năng của nó, đồng thời mang về nhiều đơn đặt hàng cho phương tiện chạy nhờ sức người. Do Von Drais tự chế tạo mỗi bộ phận, thời gian bàn giao xe rất lâu. Vì vậy, cơn sốt ban đầu xoay quanh cỗ xe phai nhạt dần ở châu Âu cuối năm đó. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu gia tăng, nhiều nhà sản xuất ở Pháp và Anh tìm cách kiếm tiền dựa trên sự thịnh hành của vélocipède bằng cách tung ra phiên bản của họ. Trong số này, phiên bản chế tạo bởi nhà sản xuất ghế Denis Johnson ở London được cho là hữu dụng nhất.
Denis Johnson đưa ra một số cải tiến cho phương tiện hai bánh mà ông tiếp thị tại London. Đáng chú ý nhất là thanh ngang ở cỗ xe của Johnson chúc xuống ở giữa, cho phép sử dụng bánh xe lớn hơn, nhờ đó cải thiện chất lượng lái. Ngoài ra, cơ cấu lái làm từ sắt cung cấp cho người điều khiển khả năng kiểm soát cao hơn. Đồng thời, việc tích hợp đai sắt ở rìa ngoài bánh xe cũng giúp tăng đáng kể độ bền của chúng. Phiên bản của Johnson nhanh chóng nổi tiếng vào đầu năm 1819.
Tuy nhiên, trào lưu di chuyển bằng cỗ xe này nhanh chóng vấp phải nhiều trở ngại như mặt đường gồ ghề, thường xuyên gặp xe kéo chạy qua, đặt ra thách thức trong việc duy trì thăng bằng. Một số người liều lĩnh thậm chí lái xe trên vỉa hè, gây nguy hiểm cho người đi bộ. Nhận thấy nguy cơ từ trào lưu đang lên, nhà chức trách ở Đức, Anh, Mỹ và thậm chí Calcutta hạn chế nơi đạp xe hoặc cấm thẳng thừng. Cuối năm 1819, cơn sốt với cỗ xe gần như giảm hẳn. Von Drais tiếp tục tạo ra nhiều phát minh trong khác như máy đánh chữ đầu tiên.
An Khang (Theo Amusing Planet)