Tàu Gloucester bị đắm ngoài khơi bờ biển Great Yarmout ở hạt Norfolk vào năm 1682 đã khiến hàng trăm hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Thảm họa thậm chí suýt chút nữa thay đổi tiến trình lịch sử nếu Công tước xứ York không may mắn thoát chết, người sau này đã trở thành vua James II và VII - quốc vương Công giáo cuối cùng lãnh đạo ba nước Anh, Scotland và Ireland.
Xác tàu được phát hiện bởi các thợ lặn vào năm 2007 sau một cuộc tìm kiếm kéo dài 4 năm, nhưng phải đến khi chiếc chuông đặc trưng trên tàu được tìm thấy vào năm 2012, Bộ Quốc phòng Anh mới xác định được nó. Vì lý do an ninh, khám phá này chỉ được tiết lộ gần đây, BBC hôm 10/6 đưa tin.
"Do bối cảnh chính trị khi bị đắm của Gloucester, đây có thể được coi là phát hiện hàng hải quan trọng nhất lịch sử kể từ khi tàu Mary Rose được trục vớt vào năm 1982", Giáo sư Jowitt Jowitt tại Đại học Norwich's East Anglia của Anh nhấn mạnh. "Khám phá hứa hẹn sẽ thay đổi cơ bản hiểu biết của chúng ta về lịch sử xã hội, hàng hải và chính trị ở thế kỷ 17".
Gloucester là một ví dụ nổi bật về di sản văn hóa dưới nước có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế. Câu chuyện đầy đủ về chuyến đi cuối cùng của con tàu cũng như tác động tới lịch sử của nó cần được kể lại.
Trước đó, tàu chiến Mary Rose của vua Henry VIII bị đắm vào năm 1545 và được trục vớt vào năm 1982 trong một kỳ tích khảo cổ học đã cung cấp rất nhiều chi tiết về cuộc sống ở thời Tudor. Nó chứa bộ sưu tập đồ tạo tác Tudor lớn nhất từ trước đến nay, bao gồm vũ khí, thiết bị định vị, còi, khèn, nồi nấu ăn, dao mổ, ống tiêm, bìa sách da và đồ nội thất.
Gloucester cũng đại diện cho một thời điểm quan trọng trong lịch sử chính trị Anh. Các hiện vật trục vớt từ xác tàu đã được lên kế hoạch trưng bày tại Phòng Nghệ thuật và Bảo tàng Lâu đài Norwich trong một cuộc triển lãm vào năm 2023.
Đoàn Dương (The BBC/AFP)