Như vậy, Zika có thể tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương. Trước đây, virus Zika đã được chứng minh liên quan đến rối loạn Guillain-Barre ảnh hưởng đến các dây thần kinh ngoại vi bên ngoài não bộ và tủy sống, từ đó gây tê liệt tạm thời.
Theo Reuters, tiến sĩ Maria Lucia Brito phát hiện trong số 151 bệnh nhân dương tính với Zika từ tháng 12/2014 đến tháng 6/2015 đến điều trị tại Bệnh viện Phục hồi (Recife, Brazil) có 4 người bị Guillain-Barre và 2 người bị ADEM. ADEM (Acute Disseminated Encephalomyelitis) hay viêm não tủy cấp lan tỏa xảy ra do tế bào thần kinh bị nhiễm trùng, gây sưng dữ dội trong não cùng tủy sống khiến myelin bị tàn phá. Bệnh nhân sẽ trở nên yếu ớt, tê liệt, mất thăng bằng, giảm thị lực.
"Nghiên cứu của chúng tôi khá nhỏ song vẫn cung cấp bằng chứng cho thấy virus Zika tác động lên não nhiều hơn chúng ta tưởng", tiến sĩ Brito tuyên bố tại cuộc họp của Học viện Thần kinh Mỹ ngày 10/4.
Tiến sĩ James Sejvar từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Dịch bệnh Mỹ cho rằng các trường hợp ADEM do Zika không thể nhiều như Guillain-Barre song khuyến cáo các bác sĩ nên thận trọng khi chẩn đoán, chăm sóc người mắc virus. "Tất nhiên, câu hỏi quan trọng nhất là vì sao Zika lại gây viêm nhiễm hệ thần kinh", ông nói. Sejvar hy vọng trong thời gian tới các công trình nghiên cứu sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.
Minh Nguyên