Khám phá được công bố hôm 23/12 trên tạp chí Nature tập trung vào một loài vi khuẩn mới trong nhóm Methanoliparum, bao gồm các vi sinh vật xuất hiện sớm nhất trên Trái Đất và đóng vai trò quan trọng trong quá trình lên men khí sinh học.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy, quá trình lên men cần cả vi khuẩn cổ Methanogenic và vi khuẩn phân hủy hydrocarbon để tiêu hóa chất hữu cơ và sản xuất khí methane.
Tuy nhiên, loài mới - được đặt tên là Candidatus methanoliparum - có thể biến trực tiếp các ankan mạch dài trong dầu thô thành methane trong môi trường không có oxy mà không cần vi khuẩn phân hủy hydrocarbon. Phân tích gene cho thấy vi khuẩn có khả năng này là nhờ một enzyme chưa từng được biết đến.
Candidatus methanoliparum được phát hiện bởi Viện Khí sinh học thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc trong mỏ dầu Shengli ở phía bắc tỉnh Sơn Đông. Các nhà nghiên cứu tin rằng nó có thể mở đường cho việc khai thác các mỏ dầu đang cạn kiệt.
Trong quá trình thu hồi truyền thống, dầu thô nằm sâu dưới lòng đất được đẩy lên bề mặt bằng áp lực của nước hoặc hóa chất. Hơn một nửa dầu lắng khó thu hồi và vẫn nằm dưới lòng đất.
Dựa trên nghiên cứu này, dầu thô có thể được phân huỷ thành methane, giúp thu hồi hỗn hợp dầu và khí với hiệu suất cao hơn. Qua đó, các mỏ cạn kiệt cũng có thể kéo dài thời gian khai thác.
Viện Khí sinh học đang hợp tác Đại học Thâm Quyến, Viện Max Planck của Đức và Phòng thí nghiệm trọng điểm về thu hồi dầu vi sinh SINOPEC để thực hiện các nghiên cứu sâu hơn về Candidatus methanoliparum.
Đoàn Dương (Theo Xinhua)