Ngày 3/4, bác sĩ Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết bệnh nhân có khối ung thư vùng đầu tụy làm tắc tá tràng. Khoảng một năm trước, bệnh nhân từng bị tắc mật do giãn đường mật, đã phẫu thuật nối mật ruột. Gần đây, bà đau tức bụng, nôn nhiều sau ăn, sút cân.
Theo bác sĩ Hùng, ca phẫu thuật cho bệnh nhân sẽ khó khăn do phải cắt nhiều bộ phận, như đầu tụy tá tràng, đường mật và một phần dạ dày. Người bệnh từng phẫu thuật nên can thiệp càng thêm phức tạp do dính, phải gỡ bỏ các miệng nối cũ.
Sau hội chẩn, bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt khối tá tụy, nạo vét toàn bộ hạch trong ổ bụng, cắt ghép các mạch máu, sau đó truyền hóa chất điều trị.
Một ngày sau mổ, bệnh nhân tỉnh, và rút ống thở, các dấu hiệu sinh tồn, xét nghiệm ổn định.
Ung thư tụy là dạng ung thư biểu mô liên quan đến các tế bào tuyến tụy, một cơ quan nội tiết quan trọng nằm phía sau dạ dày, gần túi mật. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2020, ung thư tụy đứng thứ 13 trong các loại ung thư, với gần 500.000 ca mắc mới, tỷ lệ tử vong đứng thứ 7 với hơn 466.00 người.
"Đây một trong những bệnh lý ác tính của đường tiêu hóa, tiên lượng điều trị và tỷ lệ sống không tốt như các ung thư khác", bác sĩ nói. Phẫu thuật cắt khối tá tụy là lựa chọn tối ưu để điều trị triệt căn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bác sĩ khuyên mọi người nên chủ động tầm soát sức khỏe định kỳ. Nhóm nguy cơ cao như hút thuốc lá, viêm tụy mạn, đái tháo đường hoặc có người trong gia đình mắc bệnh, nên chủ động khám định kỳ 6 tháng một lần để tầm soát.
Minh An