Người nhà cho biết ông có triệu chứng khó ăn khó nuốt từ hai tháng trước, gần đây cơn đau tăng dần, nôn nhiều, sụt cân nên đến Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra.
Ngày 13/7, bác sĩ Trần Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân bị ung thư thực quản, cần phẫu thuật cắt thực quản và tạo hình đường tiêu hóa trên. Tuy nhiên, bệnh nhân lớn tuổi, nguy cơ mất máu khi mổ cao. "Đây là bệnh nhân ung thư thực quản cao tuổi nhất mà chúng tôi từng can thiệp tại bệnh viện và một trong những bệnh nhân cao tuổi nhất được phẫu thuật trên cả nước", bác sĩ Hùng nói.
Sau 5 giờ phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục dần, tỉnh táo và không xảy ra tai biến, biến chứng. Gần hai tuần nằm viện, cụ ông có thể ăn uống và đi lại bình thường.
Ung thư thực quản đứng thứ 5 trong các loại ung thư tiêu hóa, sau ung thư dạ dày, đại tràng, trực tràng và gan. Theo GLOBOCAN 2020, hơn 3.200 ca mắc mới và hơn 3.000 ca tử vong hàng năm, ung thư thực quản đang là gánh nặng cho rất nhiều người bệnh và toàn xã hội. 70% bệnh nhân đến viện khi đã ở giai đoạn nặng, khối u thực quản xâm lấn xung quanh hoặc di căn hạch, di căn xa.
Các yếu tố nguy cơ cao gây bệnh là thuốc lá, rượu bia... Những người bị trào ngược dạ dày lâu ngày, người béo phì hoặc uống phải các chất có tính axit, chất phụ gia độc hại thuộc nhóm dễ bị ung thư thực quản.
Cách điều trị ung thư thực quản là phối hợp đa mô thức, gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị... Gần đây, phẫu thuật nội soi được nhiều bệnh viện lớn trong nước áp dụng, giúp nạo hạch triệt để hơn, người bệnh ít đau, ít xảy ra biến chứng sau phẫu thuật.
Bác sĩ khuyến cáo người có bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản phải được điều trị triệt để. Khi có các dấu hiệu như nghẹn khi ăn, khó nuốt, đau ngực, khàn tiếng, sụt cân... nên đến cơ sở y tế để khám, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. "Gia đình có người thân mắc ung thư cao tuổi cũng không nên từ bỏ điều trị, trong điều kiện cho phép và đảm bảo kỹ thuật thì vẫn nên tiến hành phẫu thuật để nâng cao chất lượng sống", bác sĩ nói.
Thùy An