Khoảng ba đến bốn tháng nay, bệnh nhân liên tục đau rát họng, nuốt khó, gầy sút cân. Tưởng bị đau họng, ông mua thuốc về uống, song không cải thiện.
Ngày 7/2, bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương, khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cho biết kết quả nội soi phát hiện thực quản có một khối u sùi lớn, che lấp gần hết thực quản, nhiều tổ chức hoại tử có nguy cơ chảy máu kèm bã thức ăn ở phía trên u. Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư thực quản, chỉ định nhập viện và điều trị hóa chất.
Ung thư thực quản đứng thứ 5 trong các loại ung thư tiêu hóa, sau ung thư dạ dày, đại tràng, trực tràng và gan. Theo GLOBOCAN 2020, với hơn 3.200 ca mắc mới và hơn 3.000 ca tử vong hàng năm, ung thư thực quản đang là gánh nặng cho nhiều người bệnh và toàn xã hội. 70% bệnh nhân đến viện khi đã ở giai đoạn nặng, khối u thực quản xâm lấn xung quanh hoặc di căn hạch, di căn xa. Tỷ lệ nam giới cao gấp ba đến 4 lần nữ giới.
Các yếu tố nguy cơ cao gây bệnh là thuốc lá, rượu bia... Những người bị trào ngược dạ dày lâu ngày, người béo phì hoặc uống phải các chất có tính axit, chất phụ gia độc hại thuộc nhóm dễ bị ung thư thực quản.
Bệnh ở giai đoạn sớm có thể không gây ra triệu chứng bất thường, chỉ tình cờ phát hiện qua nội soi. Tuy nhiên, giai đoạn muộn, bệnh có thể biểu hiện như: nuốt nghẹn, nuốt vướng, nôn máu, tăng tiết nước bọt, gầy sút cân, nổi hạch cổ.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thường xuyên thăm khám sức khỏe định kì, ít nhất 6 tháng một lần. Không nên đợi đến khi có triệu chứng bệnh mới đi khám. Khi có biểu hiện bất thường, cần kiểm tra sức khỏe, tránh những biến chứng muộn của bệnh.
Minh An