Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, sau khi đi khám và trích mủ tay ở cơ sở y tế địa phương, phát hiện bạch cầu, tiểu cầu tăng cao. Người bệnh cũng có biểu hiện lâm sàng lách to. Tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu tủy mạn (ung thư máu mạn tính). Trải qua 10 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện, về uống thuốc tại nhà và tái khám thường xuyên theo lịch hẹn.
Ngày 31/8, ThS.BS. Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng Khoa Điều trị hóa chất, cho biết nhiều bệnh ung thư máu mạn tính chỉ tình cờ phát hiện khi khám, xét nghiệm tầm soát sức khỏe hoặc khi đi khám vì một vấn đề bệnh tật.
Đa số trường hợp còn lại, bệnh dễ dàng phát hiện với biểu hiện mệt mỏi, sốt, da xanh nhợt nhạt, dễ nhiễm trùng, ra nhiều mồ hôi đêm; gầy sút cân nhanh; gan to, lá lách to, hạch to, phì đại lợi, đau xương; xuất huyết trên da hay chảy máu khó cầm.
Sau khi có kết quả xét nghiệm máu, nếu nghi ngờ ung thư, người bệnh sẽ được chỉ định làm thêm xét nghiệm tủy đồ và/hoặc sinh thiết tủy xương để chẩn đoán xác định bệnh. Đồng thời làm thêm các xét nghiệm di truyền, miễn dịch, chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm khác để phân loại thể bệnh, giai đoạn, phân nhóm nguy cơ, theo dõi điều trị.
Lê Nga