Ngày 18/9, bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân tiền sử khỏe mạnh, không có bệnh nền. Hơn một năm trước, người phụ nữ khó thở kèm đau ngực, ho khan tăng dần nên được chuyển đến Trung tâm Hô hấp. Kết quả chụp cắt lớp vi tính lồng ngực phát hiện hình ảnh u phổi trái, tràn dịch màng phổi trái.
Kết quả giải phẫu bệnh là ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn có đột biến rất hiếm gặp (EGFR), giai đoạn muộn. Bệnh nhân chuyển sang Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu điều trị bằng thuốc đích.
Sau ba tháng, bệnh nhân tỉnh, đỡ khó thở, đỡ ho, đáp ứng thuốc tốt, song có tác dụng phụ trên da và niêm mạc, tiêu hóa. Hiện, bệnh đáp ứng một phần, lâm sàng ổn định, tác dụng phụ kiểm soát được.
Bác sĩ đánh giá thường với người mắc ung thư phổi có đột biến gene hiếm gặp, giai đoạn muộn, tiên lượng sẽ dè dặt. Tuy nhiên, bệnh nhân trên đã có kết quả khả quan sau điều trị.
Ung thư phổi là một trong các loại ung thư hay gặp và cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo GLOBOCAN 2018, số ca mới mắc của ung thư phổi trên thế giới đứng hàng đầu với hơn hai triệu người mỗi năm, tỷ lệ tử vong cũng cao nhất trong số các bệnh ung thư với 1,76 triệu người một năm (18,4%).
Tại Việt Nam, cứ 100.000 người dân, có 36 nam và 12 nữ được chẩn đoán mắc ung thư phổi, tức tỷ lệ người nam mắc nhiều gấp ba lần nữ, chủ yếu do hút thuốc lá.
Loại không tế bào nhỏ điều trị ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ khỏi bệnh cao, 92% sống 5 năm nếu xử trí khi khối u kích thước dưới một cm, 1% sống sau 5 năm nếu ung thư đã di căn xa. Nhưng đa số bệnh nhân thường vào viện khi bệnh ở giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV).
Hiện, Việt Nam có những bước tiến lớn về phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ, hóa trị, liệu pháp thuốc đích, miễn dịch. Song, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi cũng như chi phí, thời gian, chất lượng cuộc sống của người mắc thuận lợi hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, trong nhóm bệnh nhân ung thư phổi, người mang đột biến gene EGFR hiếm gặp (tỷ lệ <5%) là những thách thức trong điều trị với thuốc đích.
Thùy An