Ngày 23/9, khi dẫn con tham dự chương trình Trung thu cho em tại Bệnh viện Nhi Trung ương, người mẹ cho biết bác sĩ chẩn đoán bệnh của bé từ ba tháng trước, hiện đã hóa trị ba lần. Nhờ đó, sức khỏe em tiến triển, khối u giảm 40% kích thước, các dấu hiệu ngủ nhiều, đau đầu gần như đã hết.
"Theo phác đồ, bé phải trải qua 4-6 lần hóa trị, sau đó bác sĩ xem xét mổ hay xạ trị. Con không còn buồn ngủ, đau đầu, buồn nôn sau một lần hóa trị. Tôi hy vọng con sẽ lui bệnh sớm", người mẹ nói.
Bác sĩ Viện Nhi Trung ương cho biết u tế bào mầm là khối u xuất phát từ những tế bào mầm nằm ở phôi thai, có thể ác tính hoặc lành tính. Trong đó, u tế bào mầm ở vùng tuyến yên thường chèn ép các dây thần kinh não bộ, gây các triệu chứng như rối loạn thị giác, khứu giác, là nguyên nhân khiến trẻ ngủ li bì, đau đầu, buồn nôn... Nếu được phát hiện sớm và điều trị theo phác đồ, kết quả khỏi bệnh tương đối cao. Hiện, nguyên nhân gây căn bệnh u tế bào mầm ở trẻ em vẫn chưa được xác định rõ.
Bác sĩ Trịnh Ngọc Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm 2.500 trẻ em mắc ung thư, phổ biến nhất là ung thư bạch cầu, thận, xương, não. Theo số liệu thống kê về khối u não ở trẻ em của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, bệnh nhi có khối u não tỷ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 75%, trong đó tỷ lệ bé mắc mới ung thư não mỗi năm khoảng 26%.
Tại các nước phát triển, trên 80% trẻ mắc ung thư được chữa khỏi, trong khi tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp và trung bình chỉ 20%. Tuy nhiên, nhờ tiến bộ của khoa học công nghệ và thuốc, tỷ lệ trẻ mắc bệnh ung thư khỏi bệnh hiện tăng cao hơn, mang lại cuộc sống bình thường cho nhiều em. Các liệu pháp mới như miễn dịch dựa trên tế bào, phương pháp nhắm mục tiêu vào khối u đem lại hiệu quả đột phá cho điều trị ung thư, theo bác sĩ Hải.
Lê Nga