Theo quan niệm trước đây, những trường hợp bắt gặp ung thư ở động vật rất hiếm gặp, dù năm ngoái một bệnh nhân AIDS với hệ miễn dịch yếu bị nhiễm tế bào ung thư từ sán xơ mít. Những khối u truyền nhiễm qua đường tình dục cũng ảnh hưởng tới loài chó, và số lượng loài quỷ Tasmania (một giống thú có túi ăn thịt) giảm mạnh do ung thư mặt lây qua vết cắn, theo The Independent.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature chỉ ra bệnh ung thư truyền nhiễm rất phổ biến ở ba loài động vật có vỏ khác nhau. Các nhà khoa học phát hiện trai, sò, ngao thu thập ở vùng biển ngoài khơi Canada và Tây Ban Nha nhiễm khối u có nguồn gốc từ các cá thể khác.
"Kết quả của chúng tôi cho thấy sự lây lan tế bào ung thư truyền nhiễm là một hiện tượng phổ biến trong môi trường biển. Số trường hợp mắc ung thư do lây lan dường như vượt quá số lượng phát bệnh trực tiếp, ít nhất ở những loài đưa vào nghiên cứu", nhóm tác giả phát hiện cho biết.
Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh ung thư thường truyền giữa động vật cùng loài, nhưng họ cũng tìm thấy một ví dụ về lây nhiễm khác loài. Theo họ, những tế bào ung thư lây nhiễm cho thấy khả năng phát triển loại gene mới đáng kinh ngạc của khối u, cho phép chúng tồn tại và nhân rộng.
Thông thường, những khối u bao gồm mô của chính cơ thể người bệnh. Do đó, chúng trở nên đặc biệt nguy hiểm bởi hệ thống miễn dịch không thể phản ứng hiệu quả. Khối u hình thành từ mô của tổ chức sinh vật khác ít nguy hiểm hơn bởi hệ miễn dịch có thể tấn công chúng theo cách thông thường. Loài trai sở hữu hệ miễn dịch hết sức nguyên thủy, khiến chúng đặc biệt dễ bị lây nhiễm ung thư.
Các nhà khoa học đang lên kế hoạch nghiên cứu những quá trình di truyền cho phép khối u từ một sinh vật ảnh hưởng tới sinh vật khác, góp phần làm sáng tỏ cách bệnh ung thư phổ biến ở con người.
Xem thêm: Hạt nano vàng phát nổ có thể tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư
Phương Hoa